Áo đỏ tình nguyện - Một phần thành công của Asian Cup
![]() |
Các TNV (áo đỏ) và các fan Nhật Bản cuồng nhiệt |
Tự tin và năng động, đó là những gì mà các tình nguyện viên (TNV) tại Asian Cup đã thể hiện trong suốt hơn 2 tuần qua, để góp phần tạo nên thành công chung cho Asian Cup tại Việt Nam.
Khi mà 2 trận đấu cuối cùng của bảng B vào chiều nay (16.7) chỉ còn ít giờ nữa sẽ khai diễn thì các TNV áo đỏ thuộc trường Đại học Hà Nội (ĐNHN) vẫn đang tất bật với những công việc thường nhật dễ thương và vất vả của mình. Để được khoác lên mình bộ đồng phục TNV Asian Cup, 125 sinh viên của ĐHHN đã phải trải qua một kì tuyển chọn cực kỳ gắt gao giữa 700 sinh viên đăng ký. Tỉ lệ chọi ngang với dự thi đại học!
Làm TNV không chỉ là hỗ trợ ngôn ngữ
Nếu bạn nghĩ làm TNV chỉ là hỗ trợ ngôn ngữ, thì mới đúng một phần. Các TNV được phân thành rất nhiều các tiểu ban trực ở những địa điểm khác nhau với rất nhiều công việc như: làm thẻ, phát thẻ, trực ở khách sạn, thông tin tuyên truyền, dẫn đoàn, y tế...
Đối với dân tình nguyện thì việc chạy quanh sân Mỹ Đình hay khách sạn Hilton, Sharaton, Horizon để lo tất cả các công việc dù nhỏ nhặt nhất như: mua giúp sim điện thoại, gọi xe, hướng dẫn địa chỉ khách sạn, nhà hàng… là chuyện thường ngày.
“Có một anh người Nhật, một sáng xuất hiện ở cửa khách sạn với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh và nhờ bọn tớ chỉ giúp một khách sạn khác, vì khách sạn anh ấy vừa ở tồi tàn quá” - – Diễm Hằng (Khoa Anh) nhí nhảnh kể. Hằng cho biết những tình huống này xảy ra rất thường xuyên, đòi hỏi các TVN vừa phải có kiến thức về du lịch để có thể xử lý được nhanh gọn.
Tuy nhiên để vận hành tốt công việc của mình thì các TNV vẫn phải sử dụng thật siêu ngôn ngữ tiếng Anh của mình. Các bạn luôn phải cố gắng nghe và hiểu rất nhiều thứ tiếng Anh đến từ nhiều nước, và không phải thứ tiếng anh nào cũng dễ nghe. “Tiếng Anh của người Nhật khó nghe kinh khủng” – Đó là nhận xét chung của các TNV.
“Có lần nghe một anh phóng viên người Nhật nói, mà cả hai đứa cứ ngẩn người dịch không ra, phải yêu cầu anh nói lại và chậm hơn, thì mới hiểu được” - một tình nguyện viên dẫn đoàn Nhật Bản cho hay - “Còn có nhiều thứ tiếng Anh nghe rất buồn cười, vì không thuận tai mình lắm. Nhưng nghe nhiều cũng quen, cũng vui, vì mình có thêm kinh nghiệm hiểu hơn về… tiếng Anh châu Á”.
Các fan Nhật Bản tại sân
bay Nội Bay
Xem bóng đá kiểu TNV
Vất vả cực khó nhưng cái sướng của các TNV là được hòa mình vào không khí sôi động trên sân Mỹ Đình. “Được vào sân không cần vé (tất nhiên là trừ các khu VIP) – Hằng lém lỉnh - nhưng có điều là đến trước giờ đấu 5 tiếng, và phải về sau cùng” - Đó là công việc của các bạn trực ở sân Mỹ Đình. “Bọn mình về nhà vào lúc nửa đêm là chuyện bình thường”, Minh Ngọc (Bộ phận thông tin tuyên truyền) cho biết.
Diễm Hằng kể: "Những ngày đầu giải, bọn mình bận rộn kinh khủng, không có thời gian ăn uống nữa. Có buổi bọn mình ra sân xem Việt Nam đá, nhưng tay thì vẫn không ngừng cắt, dán… các thể loại giấy tờ, chỉ có thể xem bằng mắt thôi”.
Nhờ việc có mặt trên sân và thường xuyên tiếp xúc với các cầu thủ mà các TNV cũng có được hạnh phúc khi ghi lại nhiều bức ảnh hiếm có. Một nick name là Dautay đã làm lác mắt rất nhiều blogger khi up lên mạng nhiều tấm ảnh chụp chung với Hoàng tử Qatar, cầu thủ ngôi sao đội tuyển Nhật Nakamura, và hàng loạt các VIP khác. Tất nhiên, nếu không phải là TNV Asian Cup, bạn sẽ khó mà kiếm được cơ hội ngàn vàng như thế.
“Buồn cười nhất là bọn mình ngồi trực ở khách sạn, những người khách qua lại ai cũng hỏi bọn mình có bán vé không và nói muốn nhờ mua hộ. Chiếc áo đỏ này cũng rất được yêu thích nữa, nhiều người đề nghị được mua lại của bọn mình vì thấy nó rất đẹp” - Hằng cười - “Và khi bọn mình nói là không bán được, thì họ xin chụp ảnh cùng”
Minh Ngọc lém lỉnh: “Nhưng nhờ vậy, bọn mình quen được rất nhiều người bạn nước ngoài mới. Ai cũng rất thú vị và vui tính. Một anh phóng viên người Nhật trong lúc chưa vào trận còn làm ảo thuật cho bọn mình xem nữa”.
"Bài học" quý cho các TNV
Làm việc với nhân vật “khó tính” số một của AFC là một thách thức lớn đối với các TNV Việt Nam.
Ngồi nghe các bạn TNV bàn bạc công việc, người ta sẽ ù cả tai bởi những cái tên: Selim, Alex, Masoud, hay Priya…, toàn là những quan chức cấp cao của AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á). Nhưng tất cả những cái tên, những khuôn mặt của các vị này đều được các bạn TNV làm việc tại trụ sở khách sạn Hilton ghi vào bộ nhớ của mình rất chính xác.
Cùng quảng bá hình ảnh VN
cho các bạn Nhật Bản
Trà My (Khoa Anh - ĐH Hà Nội) - Trưởng nhóm phụ trách điều xe cười: “Công việc của tụi mình mà. Mình làm ở bộ phận điều xe nên chỉ cần nhìn thoáng qua cũng nhận ra được xe nào chở sếp nào. Tối về ngủ vẫn còn lẩm nhẩm biển số xe 30H với 29N…”
Có lần, TNV theo chân vị quan chức khó tính nhất của AFC trễ giờ. Đáng ra phải có mặt tại khách sạn Hilton vào 9h30, nhưng 9h27, TNV này còn cách khách sạn vài trăm mét. Bạn gọi điện xin muộn một phút nhưng đúng 9h30, vị quan chức này lên taxi đi thẳng. Các bạn TNV được một phen hú vía. Nhưng cũng nhờ đó, cả đội tiếp thu được một bài học quý giá về “làm việc đúng nguyên tắc”.
Từng làm cộng tác viên của tập đoàn Quantas Airway của Úc, thường xuyên làm việc với người nước ngoài nên Diễm Hằng tỏ ra có kinh nghiệm hơn trong những tình huống kiểu này: “Một vài bạn TNV mà chưa va chạm nhiều, thì có thể sẽ thấy hơi khó để làm quen với phong cách làm việc của người nước ngoài. Nhưng đây chính là một điều mà chúng ta cần phải khắc phục để có thể làm việc với họ”.
Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, thì những chiếc áo đỏ dễ thương đều được các “ông sếp khó tính” AFC rất yêu quý. Và chắc chắn, kỷ niệm về những ngày làm TNV này sẽ là sẽ là những dấu ấn khó phai đối với những ai từng khoác lên mình chiếc áo đỏ mang dòng chữ Asian Cup 2007.
Theo TNO