Đội tình nguyện cứu trâu, bò ở Sa Pa
Đội tình nguyện cứu trâu, bò ở Sa Pa
|
Bí thư tỉnh đoàn Hà Thị Nga (áo trắng) cùng các cán bộ tỉnh đoàn, huyện đoàn trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và tham gia tình nguyện sửa chữa chuồng trâu bò giúp dân xã Sa Pả |
Đợt rét đậm, rét hại đang hoành hành suốt hơn một tháng trời ở huyện vùng cao xứ lạnh Sa Pa (Lào Cai).
Các đội hình thanh niên tình nguyện (TNTN) tại chỗ đã được thành lập ngay trong những ngày băng giá nhất để xuống các xã giúp người dân lùa bò trên núi xuống, che chắn chuồng trại, hướng dẫn cách chăm sóc trâu, bò chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt...
Mây mù trời phủ kín các ngọn núi, con đường, vạt đồi ở Sa Pa, trời vẫn mưa mỗi lúc một to, cái lạnh 6-7 độ như len lỏi qua hết các lần áo quần cứa vào từng thớ thịt lạnh buốt. Đường lên xã Sa Pả nhầy nhụa bùn đất và phân trâu, bò. Trong cái rét lạnh cóng, dưới làn mưa mù dày đặc, hơn chục TNTN vẫn miệt mài sửa chữa chuồng trâu cho dân. Tiếng búa đinh gõ vào gỗ canh cách, tiếng í ới chuyện trò và cả tiếng hát tiếng hò như phá vỡ cái âm u rét mướt trên một vạt núi vùng cao…
Đội TNTN không có đồng phục, người mặc áo mưa, người lại khoác chiếc áo ấm cũ ngắn cũn cỡn, chân tay ai cũng lấm lem bùn đất. Trong cái lạnh, trên gương mặt nhiều người lấm tấm những giọt mồ hôi. Bí thư đoàn xã Sa Pả (Lào Cai) Giàng A Chơ thoăn thoắt đôi tay nhem nhuốc bùn đất đóng những chiếc đinh ghim tấm bạt dứa vào các thanh gỗ chắn chuồng trâu. Bên kia, ba thanh niên khác đang cố đưa thanh gỗ lớn giằng, chắn ngăn chuồng. Nhóm thanh niên khác lại trải bạt, đo, cắt.
Anh Giàng A Giả thì đứng cùng chủ nhà Giàng A Lềnh bên hai con trâu vừa được lùa về từ trên núi. Giả hướng dẫn cho ông chủ Lềnh cách chăm sóc trâu, bò bằng tiếng Mông được bí thư huyện đoàn Nguyễn Anh Tuấn dịch lại: trời rét trâu phải được nhốt lại, không thả rông. Chuồng trại phải che chắn không để gió lùa. Phải có cỏ, ngô dự trữ cho trâu ăn những ngày rét. Nếu không có cỏ thì phải nấu cám ngô cho trâu ăn...
Trong vòng 40 phút, chuồng trâu nhà ông Lềnh đã được quây kín, đội TNTN lại thu dọn, ôm bạt sang nhà bên cạnh. Bí thư đoàn xã Giàng A Chơ bảo từ sáng đến trưa, nhóm của anh đã làm được sáu chuồng, "còn nhiều bạt lắm, phải đi hết để làm cho trâu, bò đỡ rét…".
Đào hầm trốn rét
Cũng may và rất kịp thời, ngày 14-2 tỉnh đoàn chỉ đạo và huyện đoàn đã thành lập các đội TNTN ở tất cả 17 xã trong huyện. Có chủ trương, lại được cấp 700m2 bạt dứa để đi sửa chữa, che chắn chuồng trại cho dân, chẳng ai ngại gió rét vất vả. Các chi đoàn chỉ đạo những thanh niên có trâu bò cùng dân lên núi tìm trâu bò đưa về.
Những thanh niên còn lại trong bản, trong xã thì đi sửa chữa chuồng trại và hướng dẫn người dân cách chăm sóc gia súc. Ngay bí thư huyện đoàn Nguyễn Anh Tuấn, dù đang bận đi học ở Hà Nội, sau tết đã đến ngày trở lại trường nhưng vì "chiến dịch", anh vẫn nán lại để cùng thanh niên đi chống rét cứu trâu bò cho dân.
Chơ bảo từ hôm bắt đầu "chiến dịch", dân thấy thanh niên làm cũng bắt chước làm theo nên số chuồng được sửa chữa khá nhiều, và rất nhiều trâu bò đã được đưa về nhốt tránh rét. "Một hai ngày nữa chuồng trâu của cả xã sẽ được sửa xong, lúc đó trâu không sợ rét nữa" - Chơ khẳng định.
Nguyễn Anh Tuấn cho biết các đội hình TNTN như thế này chỉ là mô hình mẫu, làm tốt sẽ được nhân rộng và không chỉ năm nay mà các mùa đông tới, huyện đoàn sẽ triển khai sớm chiến dịch sửa chuồng trâu bò, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng trâu bò cho dân. Tuấn cũng vui mừng tiết lộ tỉnh đoàn cùng huyện đoàn đã thống nhất sẽ có một dự án lớn nhằm bảo vệ đàn gia súc.
Với dự án này, lực lượng TNTN tại chỗ sẽ cùng người dân đào các hầm, hốc ở những vạt đồi, núi để làm chỗ trú ẩn cho gia súc. Bí thư huyện ủy Ma Quang Trung rất tán thành dự án này và cam kết huyện sẽ cùng với TNTN làm mẫu rồi nhân rộng khắp huyện, tỉnh…
Ông Ma Quang Trung, bí thư Huyện ủy Sa Pa, cho biết: "Tính đến hết ngày 17-2 toàn huyện đã có trên 3.000 trâu bò chết, nhiều cây cối, hoa màu của dân cũng chết vì rét. Mô hình thanh niên đang làm chắc chắn sẽ giúp nhiều trâu bò thoát chết, người dân bớt lo lắng...". |
Theo TTO