Thanh niên đề xuất gì với lãnh đạo TP.HCM?

Chỉ trong vòng 30 phút đầu tiên, của buổi gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo TP sáng 20-3, đoàn viên thanh niên TP.HCM đã đặt ra nhiều vấn đề lớn về cơ chế, về sản xuất khiến các lãnh đạo TP tỏ ra rất thích thú.

Thanh niên đề xuất gì với lãnh đạo TP.HCM? 
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với các đoàn viên, thanh niên - Ảnh: Quang Định

Thanh niên cần làm gì, nhận lãnh sứ mệnh như thế nào để góp phần cho TP trong hội nhập? Ngược lại, TP phải tạo điều kiện cho thanh niên như thế nào? Đó là hai câu hỏi mà Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang đặt ra cho các bạn trẻ.

TS Trần Hữu Lộc, 32 tuổi, giảng viên ĐH Nông lâm nói: “Chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm, sát cánh cùng chính quyền. TP làm sao tạo được xa lộ cao tốc cho khoa học công nghệ phát triển. Ví dụ những vườn ươm công nghệ, công viên để các nhóm nghiên cứu suy nghĩ lớn và làm lớn.

Những tập đoàn lớn vốn cũng bắt đầu từ những tiến sĩ "quèn", sau 10-20 năm trở thành những tập đoàn tỷ đô. Là người nghiên cứu, chúng tôi cần được hỗ trợ hành lang pháp lý về thuế, pháp lý, về tài chính. Nếu được các doanh nghiệp sẽ đổ vốn vào”.

Trần Hữu Lộc học tiến sĩ ở Mỹ, thấy ngành nuôi tôm ở VN có tiềm năng rất lớn, 4-5 tỉ USD/năm nhưng lại phụ thuộc vào nước ngoài về công nghệ, khi xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại rất lớn. Cuối 2013, Lộc quyết định về VN để tự tạo ra giá trị khoa học trên đất nước mình. 

Từ ý tưởng của Lộc, năm 2014 nhóm nghiên cứu được thành lập ở TP, lập tức các doanh nghiệp thủy sản hà hơi tiếp sức, hỗ trợ.

Đến nay, nhóm hiện có mối quan hệ với hơn 30 nước trên thế giới, là cố vấn cho tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO). Mục tiêu của Lộc là đưa trung tâm vươn lên đứng đầu thế giới.

Điều trăn trở lớn nhất của Lộc là: “Nhà khoa học phải làm gì? Phải mạnh dạn, suy nghĩ lớn, làm lớn và có phương pháp, biến ý tưởng thành sản phẩm, thành tiền để tạo ra guồng quay, động lực cho sản xuất. Như quả băng lăn từ trên núi xuống, khi tới xuống chân núi đã thành quả băng khổng lồ”.

Thanh niên đề xuất gì với lãnh đạo TP.HCM? 
Anh Trần Hữu Lộc phát biểu tại buổi gặp gỡ và đối thoại - Ảnh: Quang Định

Hoạt động trong ngành du lịch từ 2000, chị Thượng Mỹ An đề xuất TP dồn sức, tập trung phát triển Trung tâm xúc tiến du lịch TP.

Theo Mỹ An, hiện nay khách tới TP chủ yếu truy cập vào các trang web quốc tế, xem các đánh giá của người đi trước đáng tin cậy hơn là những quảng cáo của chúng ta.

Vậy sao trung tâm này không phải là nơi tập trung mọi điểm đến của TP, được đánh giá, khảo sát với chất lượng chuẩn của VN và quốc tế.

Khách trước khi đến sẽ truy cập vào và booking online thay vì đặt riêng lẻ từ từng các công ty du lịch, khách sạn làm cho khoản tiền lợi nhuận đổ ra nước ngoài hết. Với lượng khách đến TP hàng năm, nếu 1 người tính trung bình 1 đô la, TP cũng thu được khoảng 1,5-2 triệu đô.

“Hiện Trung tâm đang hoạt động bằng ngân sách TP, xin cơ chế mở tự thu tự chi, khách ngày một tăng lên, sẽ bù vào được chi phí đó”, chị Mỹ An đề xuất.

Bí thư Đinh La Thăng hỏi kỹ về đề xuất này. Chị Mỹ An hào hứng: Hiện trong hơn 1.000 công ty, có những công ty du lịch không đạt chuẩn, bị phản ánh lên các trang web du lịch quốc tế ảnh hưởng đến hình ảnh chung của du lịch TP.

Nếu Trung tâm xúc tiến du lịch làm tốt, sẽ đánh giá, xếp loại, để biết được những công ty nào đạt chuẩn, là nơi tin cậy cho khách du lịch truy cập và booking online. Họ sẵn sàng trả 1 đô la cho một lượt booking như vậy, làm lợi cho TP.

Tiếp sau đó là ý kiến của anh Tấn Phong, một chủ trang trại chăn nuôi tiêu chuẩn châu Âu, ca sĩ Võ Hạ Trâm, Bí thư đoàn công ty Pouyen Bình Tân.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đoàn viên thanh niên, lãnh đạo TP dành thời gian trao đổi, đối thoại về những ý kiến này.

Thanh niên đề xuất gì với lãnh đạo TP.HCM? 

Chị Thượng Mỹ An phát biểu tại buổi gặp gỡ và đối thoại - Ảnh: Quang Định

Xin email Bí thư Thành ủy để gửi tài liệu về khởi nghiệp

Người đó là TS Nguyễn Bá Hải, 33 tuổi, trưởng khoa Sáng tạo và khởi nghiệp, trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

TS Hải là người từng có màn đối thoại xoay quanh chiếc kính dẫn đường cho người mù (Mắt thần) với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 9-2015.

Theo TS Hải, nói về khởi nghiệp hiện nay ở TP thì vốn và nhân lực không phải là điều quan trọng nhất, vì TP hiện có hơn 3,2 triệu thanh niên. Cái cần là hệ sinh thái, bao cấp là “chết” ngay lập tức. Sáng tạo là điều không thể dạy được, mà phải do môi trường kích thích cho người ta sáng tạo.

Khoa sáng tạo và khởi nghiệp của TS Hải hiện mới có vài chục người tham gia, và mô hình ở trường mới trong phạm vi nhỏ. “Còn 3,2 triệu thanh niên ở TP này phải gửi gắm cho cô Tâm, chú Thăng”, TS Hải nói.

Nguyễn Bá Hải xin email của Bí thư Thành ủy để gửi 7 đề xuất cụ thể, dài khoảng 20 trang, hiến kế xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Những đề xuất này được Hải thu thập, nghiên cứu từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Hải vừa phát biểu xong, ông Đinh La Thăng đã ghi e-mail vào tờ giấy và chuyển cho Hải, đang ngồi cách đó một sải tay.

Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang bất ngờ hỏi: Nếu làm một dự án về khởi nghiệp của TP, giao cho em làm thường trực với Thành đoàn thì em có nhận lời không?

Không do dự, Hải nói: “Em nhận lời!”.

 

QUỐC LINH - MAI HOA

Theo Báo Tuổi trẻ

 

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sáng ngày 20/4/2025, hơn 5000 bạn sinh viên hào hứng tham gia ngày hội văn hoá 2025 được diễn ra tại Nhà Văn hoá Sinh viên TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động đã mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ và khơi dậy tinh thần gìn giữ bản sắc văn hoá của thế hệ trẻ Việt Nam. …

Agile Việt Nam
;