Chung tay cho một cuộc sống an toàn
|
Thành viên đội thực hiện chương trình “Vì cuộc sống an toàn” thay thế thiết bị, đi lại đường dây cho hộ bà Võ Thị Bi (Q.8, TP.HCM) |
30 hộ gia đình tại quận 6 (TP.HCM) đã được sửa chữa, thay mới các thiết bị điện gia đình hư hỏng ngay trước tết. 63 hộ dân khác của Q.8 đang được thi công. Những con số khởi đầu cho một dự án vì một cuộc sống an toàn hơn...
Theo con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi trở lại những hộ gia đình vừa được thay thế các thiết bị điện trong chương trình "Vì cuộc sống an toàn". Bà Võ Thị Bi (đường Dương Bá Trạc, Q.8) thú thật: "Biết điện đèn trong nhà như vậy không an toàn nhưng không có tiền nên chịu". Không chỉ thay những bóng đèn mới, cả đội đã đi lại toàn bộ hệ thống dây điện trong nhà. Toàn bộ thiết bị thay mới đều là thiết bị an toàn và tiết kiệm điện, giá chừng 1 triệu đồng.
Ông Đặng Minh Kiệt (KP 2, P.1, Q.8) không giấu được sự vui mừng: "Nói thiệt là từ hôm được làm lại hệ thống điện trong nhà đến nay tôi vui lắm, ngủ ngon nữa. Nhà đông, ai nấy câu móc điện nên không biết lúc nào sẽ xảy ra chuyện".
Chương trình "Vì cuộc sống an toàn" do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Đoàn khối dân chính đảng TP.HCM, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, ĐH Kiến trúc TP.HCM thực hiện. Sẽ có 3.000 hộ gia đình tại TP.HCM và một số tỉnh thành được sửa chữa, thay mới các thiết bị điện gia đình bị hư hỏng trong ba năm (2008-2010) với tổng kính phí khoảng 3 tỉ đồng do Tập đoàn Khải Toàn hỗ trợ. |
Đội thi công là 22 bạn vừa tốt nghiệp ngành điện Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng. Và trước khi có tên chính thức trong đội, các bạn đều phải trải qua cuộc thi kiểm tra tay nghề. Thầy Bùi Trần Huy Vinh - bí thư Đoàn trường - chia sẻ: "Dù công việc tình nguyện nhưng chúng tôi vẫn phải đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, vì đó không chỉ là uy tín mà còn là chất lượng công việc mà các bạn dành tặng những gia đình được thụ hưởng chương trình này".
Cả đội được chia thành nhiều tổ. Ngoài 22 bạn vừa tốt nghiệp còn có khoảng 25 bạn học sinh đang theo học cũng được tuyển chọn làm lực lượng kế thừa để thực hiện dự án trong ba năm. "Mỗi nhà mỗi kiểu, nhanh thì nửa ngày, phức tạp có khi hai ngày, nhưng đội luôn cố gắng để không nhà nào bị ngắt điện sinh hoạt vào buổi tối" - đội trưởng Minh Tú cho biết.
Niềm vui bừng lên trong những căn nhà nghèo khó, nụ cười lại nở trên môi những người dân còn vất vả với cuộc mưu sinh đã xua đi những mệt mỏi của mỗi thành viên trong đội.
Theo TTO