Luật Giao thông đường bộ

Tư vấn pháp luật tháng 11/2008

Tư vấn pháp luật tháng 11/2008: 

 

Luật Giao thông đường bộ

 

Kể từ tháng 9/2008, Ban biên tập Website Thành Đoàn phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Phổ biến Pháp luật  Trường Đại học Luật TP.HCM (nay là Trung tâm tư vấn pháp luật) tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí trên website Thành Đoàn (www.thanhdoan.hochiminhcity.go.vn). Các bạn đoàn viên thanh niên và bạn đọc của website có nhu cầu tư vấn pháp luật, xin gửi câu hỏi về cho chúng tôi theo chuyên mục: tư vấn pháp luật, ở địa chỉ: www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/hoidap.

 

Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường Đại học Luật TP.HCM (C.L.A.P) được thành lập từ tháng 10/2007 theo mô hình của các trung tâm thực hành Luật của các trường đào tạo Luật trên thế giới với mục tiêu kết nối hoạt động giảng dạy và thực tiễn, cũng như thực hiện chức năng xã hội của trường.

 

Ngoài sự hỗ trợ của trường Đại học Luật TP.HCM, Trung tâm C.L.A.P còn được sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và sự hỗ trợ về hoạt động của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP). Trung tâm hiện có 99 cộng tác viên là các sinh viên năm 3, năm 4 có học lực tốt, được tuyển chọn thông qua cạnh tranh và tập huấn các kỹ năng trợ giúp pháp lý cơ bản và các tư vấn viên là giảng viên các chuyên ngành của trường cùng sự hỗ trợ của các luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM.

1.  Hỏi: Pháp luật quy định người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá bao nhiêu thì bị phạt?

 

Đáp: Người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/ 100 mililit máu hoặc 40 miligam/ 1 lít khí thở là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 8 điều 8 Luật Giao thông đường bộ (Luật số 26/2001/QH10) và sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.

 

2. Hỏi: Xin hỏi những quy định của Nhà nước về việc cấp lại Giấy phép lái xe? Trường hợp GPLX bị mất, bị thu hồi, GPLX đã quá hạn sử dụng thì xử lý thế nào?

 

Đáp:

v    Trường hợp giấy phép lái xe bị mất: (theo quy định tại điều 23 quyết định 54/2007/QĐ_BGTVT):

§     Giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng và còn hồ sơ gốc:

- Nếu bị mất trong các trường hợp thiên tai như bão lụt, động đất hoặc bị hoả hoạn, có xác nhận của chính quyền địa phương; bị cướp, trấn lột, mất trộm có xác nhận rõ vụ việc của cơ quan công an, cơ quan quản lý giấy phép lái xe không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì được xét cấp lại giấy phép lái xe.

- Nếu bị mất ngoài các trường hợp trên, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại lý thuyết để được cấp giấy phép lái xe.

§     Giấy phép lái xe quá hạn bị mất, còn hồ sơ gốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe.

§     Giấy phép lái xe quá hạn bị mất, không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch của địa phương, có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đã dự học, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 12 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại giấy phép lái xe.

v    Trường hợp giấy phép lái xe đã hết hạn sử dụng: (theo quy định tại điều  22, 23 quyết định 54/2007/QĐ- BGTV):

§     Nếu chưa quá một tháng kể từ ngày hết hạn, người có giấy phép lái xe nếu có đủ hồ sơ gốc thì được xét đổi giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe được đổi chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Khi đổi giấy phép lái xe thì cơ quan quản lý cấp giấy phép lái xe phải cắt góc giấy phép lái xe cũ.

§     Nếu từ một tháng trở lên nhưng chưa quá 6 tháng, kể từ ngày hết hạn, có đủ hồ sơ gốc, thì được dự sát hạch lại lý thuyết để được cấp giấy phép lái xe mới.

§     Nếu đã hết hạn quá từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày hết hạn, có đủ hồ sơ gốc, thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe mới.

§     Nếu giấy phép lái xe đã quá hạn sử dụng và bị mất thì việc xử lý sẽ theo một số quy định tương ứng đã nêu ở trường hợp giấy phép lái xe bị mất.

v    Trường hợp giấy phép lái xe bị thu hồi: (theo quy định tại điều khoản 4 điều 23 quyết định 54/2007/QĐ_BGTVT) việc xử lý như sau:

     Đối với người bị thu hồi giấy phép lái xe không thời hạn, sau thời hạn 1 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi (hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn), nếu có nhu cầu, được dự học lại Luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, được kiểm tra và có chứng nhận của cơ sở đào tạo đã hoàn thành nội dung học và nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe.

v    Người có giấy phép lái xe bị hỏng có đủ hồ sơ gốc thì được xét đổi giấy phép lái xe.

 

3.  Hỏi: Xin cho hỏi các mức phạt cụ thể khi vi phạm luật giao thông?

 

Đáp: Các mức phạt cụ thể khi vi phạm luật giao thông đường bộ được quy định cụ thể trong nghị định 146/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Có thể kể đến mức xử phạt ở những vi phạm thường gặp khi điều khiển xe môtô như sau:

a. Chạy quá tốc độ quy định:

- Từ 5 – 10km: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000đ đến 400.000đ

- Từ 10 – 20km: phạt tiền từ 600.000đ đến 1.000.000đ

- Trên 20km – 35km: phạt tiền 1.000.000đ đến 3.000.000đ

- Trên 35km: 3.000.000đ đến 5.000.000đ

b. Phạt tiền từ 80.000đ đến 100.000đ đối với các hành vi vi phạm như:

- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định và điều khiển xe đi trên hè phố.

- Không đi đúng theo biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường

- Người điều khiển sử dụng ô, điện thoại di động, người ngồi trên phương tiện sử dụng ô.

- Không báo hiệu trước khi xin vượt

…                                          

c. Phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ đối với các hành vi vi phạm như:

- Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hay không có tín hiệu báo trước khi chuyển làn đường.

- Để xe ở lòng đường, hè phố  trái quy định của pháp luật

- Không tuân thủ hiệu lệnh của người hướng dẫn giao thông tại nơi ùn tắc giao thông

- Chở quá số người quy định (tối đa được chở 1 người lớn và 1 trẻ em, trường hợp chở người cấp cứu hoặc áp giải tội phạm thì được chở 2 người lớn)

- Chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên

- Không sử dụng đèn chiếu sáng khi đi xe ban đêm hay trong tình trạng thời tiết xấu

- Điều khiển xe chở vật cồng kềnh

d. Phạt tiền từ 200.000đ đến 400.000đ đối với các hành vi vi phạm sau:

- Không theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc đèn giao thông

- Không nhường đường hay cản trở xe ưu tiên, vượt bên phải trong những trường hợp không được phép.

- Đi vào đường cấm, đi ngược chiều đường 1 chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ

- Bấm còi, rù ga liên tục trong khu đô thị và khu đông dân cư.

…..

 

4. Hỏi: Ngoài cảnh sát giao thông, tôi còn nghe nói đến thanh tra giao thông. Tôi không biết thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông khác nhau như thế nào? Và ai cũng có quyền phạt nếu người lái xe vi phạm luật à?

 

Đáp: Theo quy định tại điều 70 Luật Giao thông đường bộ: “Thanh tra giao thông đường bộ là thanh tra chuyên ngành và có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ và phương tiện tham gia giao thông tại các điểm giao thông tĩnh; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải tại các điểm giao thông tĩnh;

Đồng thời, Nghị định 146/2007 ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định lực lượng có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó sự khác nhau giữa cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông như sau:

+ Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được quy định trong nghị định này.

+ Lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ tại các điểm giao thông tĩnh và khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ, hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. (Chẳng hạn: Nghị định 146 quy định: Điểm giao thông tĩnh là điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ; bến xe, bãi đỗ xe; trạm thu phí giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, bến phà; đường ngang giữa đường bộ và đường sắt. Như vậy, Thanh tra giao thông có thể tiến hành xử lý các hành vi vi phạm luật GTĐB tại các điểm nói trên).

 

5. Hỏi: Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

 

Đáp: Kể từ ngày ngày 15 tháng 11 năm 2008, việc sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy phải đáp ứng theo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN. Các quy chuẩn cụ thể về phân loại, cấu tạo, yêu cầu kỹ thuật được quy định cụ thể trong QCVN 2: 2008/BKHCN kèm theo quyết định trên, có thể kể đến một số tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật như sau:

- Mũ phải được sản xuất bằng các vật liệu không gây ảnh hưởng có hại đến da và tóc của người sử dụng.

- Khối lượng của mũ, kể cả các bộ phận kèm theo, không được lớn hơn:

*  Đối với loại che cả đầu, tai và hàm:

+ Mũ cỡ lớn: 1,5 kg;

+ Mũ cỡ trung và cỡ nhỏ: 1,2 kg.

*  Đối với loại che cả đầu, tai và loại che nửa đầu:

+  Mũ cỡ lớn: 1,0 kg;

+ Mũ cỡ trung và cỡ nhỏ: 0,8 kg.

- Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh sắc. Không được sử dụng đinh tán, bu lông, đai ốc, khóa quai đeo có các gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ.

- Vỏ mũ và lớp đệm hấp thụ xung động phải che chắn được phạm vi cần bảo vệ trên dạng đầu thử tương ứng khi kiểm tra theo mục 4 của Phụ lục của Quy chuẩn này.

- Mũ phải chịu được va đập và hấp thụ xung động khi thử nghiệm theo mục 5 của Phụ lục của Quy chuẩn này. Sau khi thử, vỏ mũ không bị vỡ tách rời và gia tốc dội lại khi bị va đập không được lớn hơn:

* Gia tốc dội lại tức thời đối với mũ có chu vi vòng đầu:

< 500 mm: 225 g;

³ 500 mm: 300 g.

* Gia tốc dư sau 3 miligiây đối với mũ có chu vi vòng đầu:

< 500 mm: 175 g;

³ 500 mm: 200 g.

* Gia tốc dư sau 6 miligiây đối với mũ có chu vi vòng đầu:

< 500 mm: 125 g;

³ 500 mm: 150 g.

Chú thích: Các giá trị gia tốc tính bằng m/s2 được xác định trên cơ sở đơn vị gia tốc trọng trường g = 9,80665 ms2.

 

6. Hỏi: Việc xử phạt qua hình ảnh camera (phạt nguội) hiện nay còn được áp dụng nữa không? Đối với trường hợp người vi phạm không chấp hành nộp phạt thì xử lý thế nào?

 

Đáp: Theo quy định tại thông tư 11/2007 của Bộ Công an ngày 31/08/2007 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông ban hành kèm theo quyết định số 238/2006 của Thủ tướng Chính Phủ ngày 24/10/2006 thì hiện nay việc áp dụng hình thức xử phạt qua hình ảnh camera (phạt nguội). Và theo Điều 9 của Quyết định số 127/2007/QĐ – UBND ngày 26/10/2007 của Uỷ Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thì kể từ ngày 01/11/2007 là chính thức áp dụng quy định xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Theo hướng dẫn của Phòng Cảnh sát giao thông Tp.HCM, quy trình xử phạt qua camera hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh như sau: đơn vị xử phạt trực tiếp đến nhà người có tên trong thư mời để chuyển cho họ, yêu cầu họ chấp hành nghiêm túc nội dung ghi trong giấy mời và phải ký nhận rõ ràng. Nếu không có người mang tên trong thư mời ở nhà thì đưa cho người thân trong gia đình yêu cầu chuyển cho họ và ký nhận tên rõ ràng của người nhận giấy mời. Người trong hộ gia đình cũng phải ký nhận.

 

Trường hợp người có tên trong giấy mời chuyển đi nơi khác thì trưởng công an phường ghi nơi chuyển đi của họ, có đóng dấu, ký tên và gửi trả giấy mời lại cho Phòng cảnh sát giao thông.

 

Nếu người có tên trong thư mời xác định xe vi phạm giao thông đường bộ đã bán thì đề nghị họ viết cam kết cho biết tên, địa chỉ của người mua. Trường hợp không nhớ người mua cũng phải ghi rõ và trưởng công an phường cũng phải ký tên đóng dấu sau đó gửi trả lại giấy cam kết cho Phòng cảnh sát giao thông.

 

Trường hợp người nhận thư mời khai báo, chiếc xe vi phạm bị mất cắp thì kèm với chứng từ chứng minh gửi về đội cảnh sát giao thông của khu vực đó để thông báo cho cơ quan cảnh sát điều tra và lưu hồ sơ đăng ký xe. Trong 7 ngày, công an quận phải báo cáo lại. Nếu Phòng cảnh sát giao thông không thấy sẽ gửi giấy mời lần hai. Trước khi phát hành giấy mời lần hai, cảnh sát giao thông sẽ điện thoại hỏi cụ thể với công an phường từng trường hợp.

 

Đến lần gửi giấy mời thứ 3 mà không có kết quả thì lúc đó có thể xác định người chủ có xe hay không và bắt đầu dùng chế tài xử lý, phối hợp với công an phường lập biên bản tạm giữ phương tiện.

 

 

7. Hỏi: Xe đạp điện loại nào phải đăng ký, gắn biển?

 

Đáp: Theo nghị định số 146/2007/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì Xe đạp điện được hiểu là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ điện, có vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 50 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được. (khoản 5 điều 3)

 

Đối với các loại xe 2 bánh, Luật hiện hành chỉ bắt buộc xe mô tô và xe gắn máy phải đăng ký, cấp biển số. Xe máy điện và xe đạp điện chưa có quy định.

 

8. Hỏi: Tôi có nghe nói đến việc sẽ thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Vấn đề này cụ thể là như thế nào và đã thực hiện chưa?

 

Đáp: Theo Thông tư số 22/2007/TT-BCA-C11 Bộ Công an ngày 12/10/2007 Hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông thì người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) sẽ bị thông báo cho nơi cư trú hoặc nơi công tác.

 

Thông tư quy định, cơ quan ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông có thẩm quyền ra thông báo về hành vi vi phạm đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông báo có trách nhiệm tổ chức việc kiểm điểm, giáo dục và xử lý người vi phạm và gửi kết quả kiểm điểm, giáo dục, xử lý đó cho cơ quan ra thông báo để theo dõi, tổng hợp. Và việc thông báo người có hành vi vi phạm được thực hiện bằng văn bản. Thông báo được gửi đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người vi phạm ngay sau khi ra quyết định xử phạt.

 

9. Hỏi: Mua xe mới, chưa có biển số, lưu thông trên đường có bị phạt không?

 

Đáp: Theo quy định tại Điều 48 Luật Giao thông đường bộ năm 2001 thì xe mô tô hai bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải có đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

 

Vì vậy, xe mô tô hai bánh, xe gắn máy mới mua khi chưa được cấp biển số thì không được tham gia giao thông.

 

10. Hỏi: Tôi có mua một chiếc xe máy mới 100% tại TP.HCM. Do không có hộ khẩu TP nên tôi đã nhờ đại lý bán xe đứng tên giùm, sau đó tôi đã nhận được giấy bán xe có công chứng ở Phường của Đại lý này cho tôi. Tôi chưa làm thủ tục sang tên trước bạ và nay có nhu cầu bán xe cho một người bạn ở tỉnh. Xin anh/chị tư vấn giúp tôi:

- Tôi có cần phải làm thủ tục sang tên trước bạ sang tên tôi trước khi bán cho bạn tôi không? Nếu làm thì tôi sẽ phải làm ở nơi tôi có hộ khẩu thường trú hay làm tại TP.HCM?

- Thời gian làm thủ tục này thông thường là bao nhiêu ngày và phí là bao nhiêu?

 

Đáp: Trong trường hợp này bạn chưa nói rõ sau khi nhận được giấy bán xe của đại lý thì bạn đã làm thủ tục đăng kí chiếc xe này hay chưa. Việc chứng nhận của Ủy ban nhân dân phường thường chỉ là chứng nhận chữ kí. Muốn có giấy phép đăng kí xe, bạn có thể đến trụ sở Công an để được hướng dẫn về các điểm đăng ký biển số xe gần nơi bạn ở nhất.

 

Sau khi có giấy phép đăng kí xe, thì người có tên trong giấy phép này mới có quyền trực tiếp thực hiện việc mua bán xe với người khác. Trường hợp bạn chưa làm thủ tục đăng kí xe thì có thể thực hiện việc sang tên trực tiếp từ đại lý sang người bạn của bạn.

 

(Để biết rõ hơn về thủ tục bạn có thể liên hệ Trung tâm Tư vấn pháp luật trường Đại học Luật Tp.HCM (clap@hcmulaw.edu.vn) để được hỗ trợ thêm).

 

11. Hỏi: Tốc độ xe máy chạy trên đường hiện nay được quy định như thế nào?

 

Đáp: Theo quy định tại Quyết định số 17/2004/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2004 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ thì tốc độ của các phương tiện khi tham gia giao thông như sau:

* Tốc độ tối đa cho phép phương tiện cơ giới đường bộ lưu hành trên đường nội thành, nội thị.

 

Loại phương tiện cơ giới đường bộ

 

Tốc độ tối đa (km/h)

Đường không có dải phân cách cố định

Đường có dải phân cách cố định

Xe con, xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi.

45

50

Xe mô tô 2-3 bánh, xe tải có tải trọng dưới 3.500 kg, xe ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi.

35

40

Xe tải có tải trọng từ 3.500 kg trở lên, xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi.

30

35

Xe gắn máy, xe sơ mi rơ moóc, xe kéo rơ moóc, xe kéo xe khác.

25

30

 

* Tốc độ tối đa cho phép phương tiện cơ giới đường bộ lưu hành trên đường ngoại thành, ngoại thị và đường ngoài đô thị

 

Loại phương tiện

Tốc độ tối đa (km/h)

Đường không có dải phân cách cố định

Đường có dải phân cách cố định

Xe con, xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi.

70

80

Xe tải có tải trọng dưới 3.500 kg, xe ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi.

60

70

Xe tải có tải trọng từ 3.500 kg trở lên, xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi, xe mô tô 2-3 bánh

50

60

Xe gắn máy, xe sơ mi rơ moóc, xe kéo rơ moóc, xe kéo xe khác.

40

50

 

12. Hỏi: Những xe nào được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi lưu thông trên đường?

 

Đáp: Theo quy định tại khoản 1 điều 20 Luật Giao thông đường bộ, những loại xe sau đây được ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kì hướng nào tới theo thứ tự :

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

e) Đoàn xe tang;

g) Các xe khác theo quy định của pháp luật.

Các xe a,b,c,d và đ đi làm nhiệm vụ khẩn cấp phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe ưu tiên.

 Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Cấm các hành vi gây cản trở xe ưu tiên.

 

13. Hỏi: Khi lưu thông trên đường thì người đi bộ phải nhường cho người đi xe hay người đi xe phải nhường người đi bộ?

 

Đáp: Theo quy định tại Điều 30 Luật Giao thông đường bộ:

Nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì khi qua đường người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện giao thông đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó.

Trên đường có dải phân cách, người đi bộ không được vượt qua dải phân cách.

 

14. Hỏi: Có bao nhiêu loại giấy phép lái xe?

 

Đáp: Theo điều 4,quyết định 54/2007/QĐ-BGTVT thì giấy phép lái xe được chia thành hệ thống sau:

- Hạng A1 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ  50 cm3 đến dưới 175 cm3.

- Hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

- Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, bao gồm cả xe lam ba bánh, xích lô máy và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

- Hạng A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo có trọng tải đến 1000 KG.

- Hạng B1 cấp cho người lái xe không chuyên nghiệp để điều khiển các loại xe sau đây:

      a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

      b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500 KG;

      c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3500 KG.

- Hạng B2 cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển các loại xe sau đây:

      a) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1;

      b) Ô tô cần cẩu bánh lốp có sức nâng thiết kế dưới 3500 KG.

- Hạng C cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển các loại xe sau đây:

      a) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500 KG trở lên;

      b) Đầu kéo, máy kéo kéo một rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500 KG trở lên;

      c) Ô tô cần cẩu bánh lốp có sức nâng thiết kế từ 3500 KG trở lên;

      d) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.

- Hạng D cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển các loại xe sau đây:

      a) Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

      b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.

- Hạng E cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển các loại xe sau đây:

      a) Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;

      b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.

- Hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và  E để điều khiển các loại xe tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 KG, được quy định cụ thể như sau:

      a) Hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô được quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2;

      b) Hạng F cấp cho người lái xe ô tô được quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2;

      c) Hạng FD cấp cho người lái xe ô tô được quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, FB2 và hạng Fc;

 

15. Hỏi: Tôi có một chiếc xe máy, muốn tặng cho đứa cháu thì cần phải làm những thủ tục gì?

 

Đáp: Theo thông tư 01/2007/TT-BCA-C11 ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho tặng xe, người mua xe phải đến cơ quan đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.

a) Xe sang tên trong tỉnh /thành phố, giấy tờ cần có:

- Giấy khai đăng ký xe: chủ xe phải tự khai theo đúng mẫu quy định của Bộ Công an.

- Giấy chứng nhận đăng ký xe.

- Chứng từ mua bán, cho tặng xe .

- Chứng từ lệ phí trước bạ.

Khi sang tên thì giữ nguyên biển số cũ và cấp lại giấy đăng ký xe theo tên của chủ xe mới.

Đối với trường hợp sang tên mô tô, xe máy khác huyện thì chủ xe phải đến Công an cấp huyện đã đăng ký xe đó (không phải đưa xe đến kiểm tra) làm thủ tục rút hồ sơ gốc của xe chuyển về Công an cấp huyện nơi chủ xe mới đăng ký.

 

16. Hỏi: Tôi vi phạm giao thông và bị tước giấy phép lái xe máy 60 ngày. Như vậy là sau 60 ngày tôi có thể lấy lại giấy phép lái xe của mình đúng không?

 

Đáp: Theo quy định tại khoản 2 điều 6 Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bạn bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 60 ngày thì bạn phải học và kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ trước khi nhận lại giấy phép lái xe. Khi nhận lại giấy phép lái xe, bạn phải mang theo giấy chứng nhận học lại Luật giao thông đường bộ và biên lai đóng tiền phạt (nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước).

 

17. Hỏi: Đội mũ bảo hiểm (MBH) bên ngoài, đội mũ vải bên trong hoặc đội MBH bên trong, đội nón lá bên ngoài (để che nắng) thì bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt. Như vậy có đúng không?

 

Đáp: Theo Quy chuẩn 02/2008/KHCN - thường gọi quy chuẩn CR, mũ bảo hiểm của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối chỉ được phép lưu thông sau khi đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ như sau: Phải có cấu tạo cơ bản theo 3 kiểu dáng: Mũ che nửa đầu (bảo vệ phần đầu phía trên của người đội), mũ che cả đầu và tai (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm và tai), che cả đầu, tai và hàm (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm, tai, cằm)..

Hiện không có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào về việc xử phạt khi mũ bảo hiểm bên ngoài, đội mũ vải bên trong hoặc đội mũ bảo hiểm bên trong, đội nón lá bên ngoài. Tuy nhiên, theo quy chuẩn trên nếu vành mũ che khuất tầm mắt bạn có thể bị phạt. Do đó để bảo vệ mình bạn đội mũ đúng chất lượng, đúng cách, cài dây đầy đủ thì không bị xử phạt.

 

18. Hỏi: Tôi bị mất giấy phép lái xe và đến Sở Giao thông công chính TP.HCM (nơi cấp) để xin cấp lại. Theo qui định, từ khi nhận hồ sơ xin cấp lại đến khi có giấy phép lái xe mới là hơn hai tháng. Sau khi nộp hồ sơ, người nhận giao cho tôi một biên lai nhận hồ sơ. Tuy nhiên, biên lai đó không có giá trị nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe khi đi đường. Nghĩa là trong thời gian chờ được cấp giấy phép mới, những người như tôi đương nhiên bị coi là không có giấy phép lái xe, không thể điều khiển xe nếu như không muốn bị phạt. Trong thời gian đó, đi xe ra đường mà đi sai luật, tôi luôn bị phạt vì không có giấy phép lái xe! Quy định như vậy có đúng không?


Đáp: Các quy định về việc cấp lại GPLX khi bị mất (bạn xem thêm nội dung trả lời ở câu 2 để được rõ hơn)

Biên lai trên chỉ thể hiện là Sở Giao Thông Công Chính đã nhận hồ sơ của bạn, sau khi nhận hồ sơ cơ quan này còn phải xác minh:(1) hồ sơ của bạn có hợp pháp không (là thật hay giả), (2) GPLX của bạn đang bị tạm giữ, (3) bạn đã bị tước GPLX do vi phạm  luật giao thông hay (4) GPLX đã hết hạn sử dụng.

- Hiện nay Nghị định 146/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ yêu cầu người điều khiển phương tiện lưu thông phải luôn mang theo GPLX tương ứng với loại phương tiện lưu thông và chỉ quy định xử phạt đối với trường hợp “không có” GPLX, chứ không quy định trường hợp “có mà mất”. Do vậy, trường hợp “có mà mất” cũng có thể bị xem là “không có” GPLX. . Khi bị xử phạt, công an giao thông vẫn ghi trên biên bản là “không có GPLX”, cho trường hợp của bạn cũng bị coi như là không có giấy phép lái xe, nên khi bạn đi xe ra đường thì vẫn có thể bị kiểm tra xử phạt như thường.

 

19. Hỏi: Nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT tuần tra tới đâu?

 

Đáp: Bạn xem ở nội dung trả mời ở Câu 4 và xem thêm quyết định số 1922/2006/QĐ-BCA của Bộ Công An quy định về việc ban hành quy định, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ để được biết thêm.

 

20. Hỏi: Khi nào CSGT được phép dừng phương tiện đang lưu thông trên đường để kiểm soát?

 

Đáp: Theo quy định của nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động về tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 1922/2006/QĐ-BCA (C11) ngày 5.12.2006 của Bộ trưởng Bộ Công an) thì Cảnh sát giao thông đường bộ được dừng xe để kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại trạm Cảnh sát giao thông trong các trường hợp sau:

a) Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt trở lên.

b) Thực hiện kế hoạch, phương án của trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ theo chuyên đề trong một thời gian nhất định hoặc dùng phương tiện kỹ thuật theo quy định được đặt ở vị trí bất kỳ trên tuyến giao thông, để phát hiện và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông.

c) Có lệnh bằng văn bản của Thủ trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện trở lên; Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng xe, kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự.

d) Khi nhận được tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với người và phương tiện cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật.

 

TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sáng ngày 20/4/2025, hơn 5000 bạn sinh viên hào hứng tham gia ngày hội văn hoá 2025 được diễn ra tại Nhà Văn hoá Sinh viên TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động đã mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ và khơi dậy tinh thần gìn giữ bản sắc văn hoá của thế hệ trẻ Việt Nam. …

Agile Việt Nam
;