Ba người và một giấc mơ
![]() |
Người mẹ nhổ tóc bạc cho con trai, Hà Duy Lộc |
1. Trong góc nhỏ của sân vận động Lam Sơn có một cây gòn to, tán trùm kín một mái nhà tạm bợ chưa tới 10m2, phía ngoài chất đầy những thùng sách, bàn ghế cũ, che thêm một tấm bạt.
Trong nhà, chàng trai 18 tuổi Hà Duy Lộc đang ngồi gò lưng viết những từ mới cho quyển từ điển 13 ngôn ngữ trên quyển sổ giấy carô. Phía dưới chân Lộc, một mâm cơm còn dang dở trên nền ximăng...
Chị Phụng ngồi vuốt đầu con rồi nhổ đi mấy sợi tóc bạc trên mái đầu mới 18 tuổi của con. Vài ngày nữa, thằng con yêu của chị sẽ lên đường du học tận Đài Bắc (Đài Loan) xa xôi. Chị, một người mẹ chỉ học lớp 12 mới được mấy ngày, không biết Đài Bắc ở nơi nào nhưng chắc đây là thời khắc chị sung sướng nhất trong lòng từ 18 năm nay: “Mong rằng mai mốt rồi đời con nó sẽ không khổ như nó và ba mẹ nó bây giờ!”.
Anh Hà Văn Lợi, cha của Lộc, vén chân cho tôi xem những vết lõm sâu nơi ống chân anh thời còn trung học. Đó là vết của những lần tay quay máy xay lúa đập vào chân mỗi khi anh quay máy. Đó là những ngày tháng nhọc nhằn ở Đức Lợi, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Cha anh Lợi hi sinh năm 1966, gần như người con phải tự xoay xở số phận của mình, đi làm thuê làm mướn, rồi có người thương tình, nhận vào cho nửa ngày học, nửa ngày ngồi máy xay lúa.
Rồi cũng học giỏi, giỏi có tiếng so với bạn cùng trường. Rồi chàng trai Hà Văn Lợi cũng đến được đất Sài Gòn với giấc mộng đại học. Rồi bước ngoặt cuộc đời từ đó. Thi rớt và quyết định ở lại Sài Gòn với một ước muốn mơ hồ: chờ ngày thi đại học năm sau. Nhưng cái “năm sau” vẫn chỉ là mơ ước. Bắt đầu là những ngày lang thang kiếm sống trên đất Sài Gòn.
Rồi một cơ may nhờ viết chữ đẹp, anh được giới thiệu vào làm ghi danh cho một trung tâm ngoại ngữ. Đó là công việc giấy tờ sạch sẽ đầu tiên của anh từ ngày vào đất Sài Gòn. Làm được ba năm, cưới vợ.
Vợ bị tai nạn giao thông chữa chạy mấy năm xong không có việc làm. Anh nói giám đốc trung tâm xin nhường lại công việc mình cho vợ, còn mình kiếm được việc là một chân gác dan Trường chuyên Lê Hồng Phong. Gần mười năm đi tìm một cuộc sống, một công việc tạm ổn trên đất Sài Gòn.
Giấc mơ vào đại học vẫn còn đeo bám khi năm 1997, anh lén mua một bộ hồ sơ định ghi danh vào học tại chức ngành công nghệ thông tin với cái tuổi ngoài 40. Một lần nữa mơ ước đó lại không thành hiện thực: những ca trực xoay vòng không cho anh một thời gian ổn định để ngồi ghế giảng đường. Cuộc sống giờ xoay về phía khác: vợ và con.
Hà Duy Lộc (ảnh) biết đến 12 ngoại ngữ, trong đó có thể sử dụng thành thạo bốn thứ tiếng Anh, Nga, Hoa, Pháp; các ngôn ngữ còn lại là Nhật, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Indo - Malay, Thái… có thể giao tiếp được. Công trình "Từ điển 13 thứ tiếng" soạn bằng tay của Lộc đoạt giải ba trong cuộc thi "Sản phẩm sáng tạo của học sinh trung học" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. |
Khi được chồng kiếm cho công việc làm ghi danh học ngoại ngữ, chị đi làm luôn dắt theo hai con, một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi cứ dè chừng tìm chỗ cho con ngủ mà lén lén lút lút, khi gầm cầu thang, khi gửi vào căn phòng nhỏ xíu của bảo vệ.
Ba mẹ con chỉ có chiếc xe đạp. Thằng Phú ngồi ghế nhỏ phía trước, thằng Lộc ngồi trên yên giữa, mẹ ngồi phía sau đạp tới. Xong giờ làm, mẹ chở hai con ghé Trường Lê Hồng Phong, đứng ngoài đường chờ cho đến 8-9 giờ tối thì vô trường, tìm chỗ tắm rửa rồi cả nhà về chợ Thiếc ngủ nhờ.
Khổ nhất lúc nào? Người mẹ nhớ lại: lúc trời mưa, thằng nhỏ ngủ ngồi trên xe đạp, có cái áo ấm chụp cho thằng lớn, còn áo mưa che cho thằng bé. Ba mẹ con đứng lùi một góc tối dưới bóng cây gòn trên đường Nguyễn Văn Cừ…
Cuộc đời mãi trôi như vậy cho tới khi nhà trường xét cho mượn căn phòng lụp xụp ở góc sân Lam Sơn. Ấy là ngày vui trong đời gia đình nhỏ ấy...
3. Trong ký ức của Lộc, nỗi sợ lớn nhất là những tháng ngày lang thang, cảnh không nhà. Những ám ảnh ấu thơ ăn cả vào giấc ngủ của Lộc. Thương mẹ, thương ba, thương em và thương cả chính mình.
Thầy hiệu phó Trần Đức Huyên kể rằng đó là một học trò của trường có năng khiếu ngoại ngữ khá đặc biệt, hoàn cảnh cũng đặc biệt khó khăn. Trường cho mượn tạm căn phòng nhỏ ở sân Lam Sơn từ năm 2001. Đích thân thầy hiệu trưởng phải đi kiếm thêm học bổng để em có đủ tiền thi các bằng cấp ngoại ngữ hoàn tất thủ tục đi du học.
Lộc có thể sử dụng thoải mái Internet để học ngoại ngữ bằng máy tính trong phòng thầy hiệu phó. Thầy hiệu phó vẻ tự hào khoe về công trình “từ điển 13 ngôn ngữ” viết tay của học trò mình. Thầy bảo rằng thời buổi này, để có một ước mơ lớn: biết thật nhiều ngôn ngữ như học giả Trương Vĩnh Ký thì không nhiều lắm!
Vậy là ngày 23-9, cậu con trai của người gác dan sẽ rời khỏi ngôi nhà tạm bợ bên gốc cây gòn để lên đường đi du học. Ngôi nhà tạm bợ tồn tại cho đến khi sân vận động Lam Sơn được dùng vào dự án đang hình thành. Chưa biết mai này ba mẹ sẽ ở đâu, Lộc nói cố gắng học để có thể trở về đi làm, cố lo cho ba mẹ một ngôi nhà.
Theo TTO