<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Khám phá cùng GPS</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Khám phá cùng GPS</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="kham%20pha%20cung%20GPS.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Cả nhóm
tranh nhau đặt máy GPS vào đúng “chấm” tại Pleiku (Gia Lai). Đấy là vị
trí của... cây chanh!</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đi đó đi đây với máy GPS (hệ
thống định vị toàn cầu) để khám phá những vùng đất và xác định tọa độ địa lý của
nó đang trở thành một phong cách chơi thú vị của nhiều bạn trẻ Việt.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Bất ngờ nối tiếp bất ngờ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một trong những kỷ
niệm thú vị nhất của nhóm bạn trẻ có tên GPS là lần đi “chấm” (một vị trí trên
trái đất mà tại đó các đường kinh tuyến chẵn và vĩ tuyến chẵn giao với nhau) ở
huyện Anh Sơn, Nghệ An, vào tháng 8-2006. Một thành viên kể lại: “Máy dẫn vào
một con đường làng nhỏ. Khoảng cách từ 80m xuống 50m..., rồi hóa ra tọa độ nằm ở
một ruộng bùn. Xắn quần lội xuống mà hồi hộp kinh người. Đến lúc tín hiệu trên
máy chỉ N19°0’00” E105°0’00”, là nơi chính xác nhất thì tất cả òa lên sung sướng.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều người cũng
thích dùng máy GPS để ghi lại biểu đồ đoạn đường xê dịch của bạn trong một
chuyến đi - gọi là tracklog. Sau khi đưa tracklog lên bản đồ địa hình, bạn sẽ dễ
dàng quan sát được tuyến đường và những địa điểm mà bạn đã đi qua. Một ứng dụng
khác là sau khi nạp tọa độ của một điểm mà bạn muốn đến vào máy và ấn lệnh “Go
to”, máy GPS sẽ trở thành người dẫn đường tin cậy của bạn. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" height="250" width="200" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Global Positioning System (viết
tắt là GPS) là hệ thống định vị toàn cầu. Nó bao gồm 27 vệ tinh (bao gồm
cả ba vệ tinh dự phòng), chuyển động trên các quĩ đạo quay xung quanh
Trái đất và được tính toán sao cho ở bất cứ nơi nào và tại bất kỳ thời
điểm nào máy GPS cũng có thể thu được tín hiệu từ ít nhất bốn vệ tinh.
Nhiệm vụ của một máy thu GPS là nhận tín hiệu từ các vệ tinh nói trên và
tính toán ra vị trí của nó gồm vĩ độ, kinh độ và cao độ ở thời điểm hiện
tại. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các tay chơi GPS đã nói rằng cực
đông của VN phải nằm ở Mũi Đôi, Hòn Gốm (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh
Hòa) chứ không phải hải đăng mũi Đại Lãnh (Phú Yên) như nhiều tài liệu vẫn ghi
chép (?). Tracklog của chuyến chinh phục Apachải và ngã ba biên giới Việt - Lào
- Trung đem lại cái nhìn mới về một miền đất tưởng như chỉ có trên sách vở.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tracklog và tọa độ
đỉnh Phanxipăng cho những ai muốn chinh phục nóc nhà Đông Dương mà không cần
người dẫn đường... Nhưng không phải chuyến lên đường nào cùng GPS cũng thành
công, đặc biệt là những chuyến “đi chấm” vì nhiều lý do khác nhau như điều kiện
thực địa, tín hiệu vệ tinh kém hoặc những tính toán dự phòng sai lệch. </font>
</p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Đã chinh phục được 22/35 “chấm” của
VN</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau mỗi lần chinh
phục được một “chấm” nào đó, các thành viên lại gửi thông tin lên trang web
<a href="http://www.confluence.org/">www.confluence.org</a> - trang web lớn nhất
về “chấm” trên toàn thế giới. Tại VN có 35 “chấm” như vậy. Nếu năm 2005 mới tìm
thấy 11 “chấm” thì tính đến ngày 15-5-2007 đã có 22 “chấm” được chinh phục.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu trong miền Nam
có các nick Anton_Tran và Hai lúa đã lập nên một nhóm yêu thích GPS mà “đỉnh cao”
là dùng máy GPS để đi “chấm”, thì ngoài Bắc có thể kể đến hai tay kỳ cựu là
anhminh và Tabalo, những người sẵn sàng truyền lửa GPS tới các bạn trẻ thông qua
các buổi học lý thuyết và hướng dẫn thực hành miễn phí.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Để chơi GPS bạn
phải bỏ ra 150 USD trở lên cho một chiếc GPS handheld (máy cầm tay) hoặc dùng
máy thu GPS kết hợp với PDA. Các loại máy GPS thông dụng ở VN hiện nay có thể kể
đến như Garmin Extrek, Rino hay BT338, Magellan hoặc Hind Finder...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần đây những
chuyến “đi chấm” sôi động từ Bắc vào Nam trong cộng đồng dân cư mạng. Tracklog
được đưa lên bản đồ đường bộ VN hoặc bản đồ Google Earth giúp các bạn trẻ yêu
thích du lịch dễ dàng hình dung trọn vẹn một chặng đường từ khi bắt đầu cho đến
khi kết thúc. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ dừng lại
trong biên giới VN, cư dân mạng yêu du lịch với GPS đã và đang tìm cách chinh
phục “chấm” hay ghi dấu những con đường xê dịch ở bên ngoài lãnh thổ nước nhà
như “đi chấm” ở Vang Vieng (Lào) hay ghi tracklog “Đường đến Tam giác vàng” qua
các địa điểm nổi tiếng như Cánh đồng chum (Lào) - cố đô Luang Prabang (Lào) -
ngược sông Mêkông - Trái tim Tam giác vàng - Tachilek (Myanmar) - căn cứ địa
Khunsa - Udothani (Thái) - Vientiane (Lào). Mỗi một hành trình du lịch và “đi
chấm” luôn chứa đựng những niềm vui và những điều bất ngờ.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>