Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH (Đơn vị bầu cử số 3)
Đơn vị bầu cử số 3 (quận 4 và 6). Bốn ứng cử viên, bầu 2 người
![]() |
Ông TẤT THÀNH CANG, sinh ngày 5-2-1971, Bí thư Thành đoàn TPHCM:
Tăng cường giám sát thực hiện Luật Thanh niên
Tôi xin đề ra chương trình hành động như sau:
Chủ động và tích cực tham gia nâng cao chất lượng lập pháp, chú trọng bảo đảm các quy định pháp luật được ban hành phù hợp với thực tiễn xã hội và các cam kết quốc tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Đề đạt ý kiến và tích cực tham gia góp phần tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội (QH), các cơ quan Mặt trận, các đoàn thể, phát huy dân chủ xã hội và quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân theo đúng luật; tham gia góp ý tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH. Chân thành lắng nghe ý kiến, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của cử tri, của các giới, các ngành để đề đạt nguyện vọng đó trong hoạt động của QH.
Bản thân tôi cùng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy và tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên. Góp phần cùng QH khi xây dựng pháp luật, thông qua các quyết sách lớn luôn luôn phải quan tâm đến vấn đề thiết thân hiện nay của thanh thiếu nhi.
Những vấn đề tôi nêu trên, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của một ứng cử viên đại biểu QH và giới hạn trong một chương trình hành động, mà cũng là trách nhiệm của tôi với tư cách là một công dân, một cán bộ Đoàn.
![]() |
Ông HOÀNG ĐÔN DŨNG, sinh ngày 27-8-1955, Giám đốc Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn:
Góp tay chống tham nhũng
Nếu được cử tri tín nhiệm, tôi sẽ tập trung tham gia giải quyết triệt để những vụ tham nhũng lớn. Người dân chỉ có thể sống yên ổn hạnh phúc trong một xã hội lành mạnh, theo pháp luật.
Để chống tham nhũng hiệu quả, không thể coi nhẹ việc cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay nhiều thủ tục thật sự bất hợp lý và là cái cớ cho những kẻ tham nhũng hành dân. Cải cách thủ tục hành chính phải bao gồm cả việc hoàn thiện các văn bản pháp luật mà hiện còn phức tạp và thiếu nhất quán.
Nâng cao mức sống người dân là tăng thu nhập gia đình đi đôi với cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hệ thống điện phải đi ngầm, giao thông an toàn, không ngập nước, ùn tắc và ô nhiễm. Hết sức hạn chế mở rộng đường, mở rộng hẻm vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân. Các dự án khu dân cư, tạm cư phải có chợ, cửa hàng, trạm y tế, trường học. Người lao động phải đủ ăn, đủ mặc, nuôi con và có tích lũy thì mới ổn định cuộc sống.
Tôi đã từng phát biểu trong giảng dạy, các tham luận, trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Tôi hy vọng rằng sắp tới đây sẽ có nhiều điều kiện hơn để góp tiếng nói, trí tuệ của mình cho đất nước, cho TP.
![]() |
Ông TRẦN LẠC HỒNG, sinh ngày 17-1-1949, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM:
Đề xuất chương trình tin học hóa hoạt động của QH
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào QH, tôi sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thường xuyên trao đổi thông tin, chương trình hợp tác, tăng cường tiếp xúc giữa thế hệ trẻ trong nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh doanh. Gắn kết nhiệm vụ đại diện cử tri quận 4, quận 6 và đại diện giới công nghệ thông tin TPHCM.
Cụ thể, tôi sẽ đề xuất chương trình tin học hóa hoạt động QH; nâng cao vai trò và năng lực của Thư viện QH để trở thành một trong những trung tâm tri thức quan trọng của quốc gia. Đề xuất xây dựng luật về xã hội lành mạnh với những quy tắc ứng xử của công dân trong môi trường xã hội lành mạnh.
Đề xuất thành lập tổ chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế hỗ trợ QH trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xã hội thông tin; chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tham gia kế hoạch phát triển công nghệ thông tin quốc gia, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Đề xuất xây dựng luật về xã hội thông tin đáp ứng nền kinh tế tri thức.
![]() |
Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO, sinh ngày 15-9-1952, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM:
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào QH khóa XII, tôi sẽ cố gắng góp phần thực hiện tốt hơn nữa chức năng của QH (đại diện, lập pháp, giám sát) và sẽ tập trung, đi sâu vào những việc như:
Thực hiện cải cách hành chính nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, coi trọng việc xây dựng thể chế bằng những quy định của luật pháp ngày càng hoàn thiện, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước.
Xây dựng chính sách để huy động tiềm năng, nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Giám sát việc làm quy hoạch sao cho khẩn trương hơn, có chất lượng hơn; có tính định hướng, dự báo để thu hút đầu tư, triển khai nhanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định cuộc sống người dân.
Xây dựng môi trường sống, chất lượng sống trong đó quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy vai trò phụ nữ và chăm lo cho trẻ em.
Theo NLDO