“Chủ tịch Quốc hội trẻ” Trương Ngọc Kiểm:
Phải biết cách đối thoại với đoàn viên thanh niên
“Chủ tịch Quốc hội trẻ” Trương Ngọc Kiểm cho rằng: Đối thoại để ĐVTN được lắng nghe, chia sẻ ý kiến; được người khác tiếp thu, giải đáp thắc mắc của mình.
|
Trương Ngọc Kiểm thuộc thế hệ 8X (SN 1983), là “Chủ tịch Quốc hội trẻ”, hiện là giảng viên Khoa Sinh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). Ngọc Kiểm tham gia Ban Thường vụ Đoàn trường, admin của diễn đàn Tuổi trẻ & Khoa học: http://svtunhien.net của ĐHKHTN. |
Cũng qua đó, những người lãnh đạo có thể nắm bắt thực tế những mong muốn, nguyện vọng ở cấp dưới… xác định trọng tâm phong trào, xây dựng mục tiêu, phát triển đơn vị, cơ sở của mình.
Để đối thoại hiệu quả, chủ đề chính phải được chuẩn bị kỹ. Vấn đề đưa ra đối thoại phải sát thực, được đông đảo ĐVTN quan tâm và nên chia theo mảng như: Hướng nghiệp và việc làm cho ĐVTN thời hội nhập; Chính sách của Đảng, Nhà nước với ĐVTN; Thu hút lực lượng trí thức trẻ về làm việc ở các vùng khó khăn...
Theo tôi, những vấn đề nóng cần được đối thoại là: Khơi dậy chí làm giàu cho ĐVTN tại địa phương; Thu hút trí thức trẻ về xây dựng và phát triển quê hương; Hướng dẫn kỹ năng sống cho thanh niên...
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao nhiều thanh niên ở nông thôn bỏ quê ra các thành phố lớn làm ăn? Sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ muốn bám trụ lại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… chấp nhận làm trái nghề? Có phải họ thiếu thông tin từ cơ sở, hay chính sách địa phương chưa hấp dẫn?...
Đối thoại không chỉ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Trung ương Đoàn mà có thể đối thoại với lãnh đạo chính quyền, Đoàn địa phương.
Quốc hội trẻ (từ 25/4 – 11/6/2006) là diễn đàn đối thoại đã tạo được sự quan tâm lớn của xã hội. Đây là sáng kiến do Văn phòng Quốc hội và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức với tiêu chí: Thế hệ trẻ với các hoạt động của Quốc hội. Gần 400 ĐVTN là học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội tham gia vào hoạt động chính trị lớn của đất nước dù đó chỉ là “thủ vai” các “ông, bà nghị”. Theo tôi “Quốc hội trẻ” nên được duy trì thường xuyên, không chỉ bàn về việc làm mà còn nhiều vấn đề giới trẻ quan tâm trong thời hội nhập của đất nước. |
Tùy từng điều kiện, vấn đề nóng tại cơ sở để tổ chức hình thức đối thoại hợp lý. Chẳng hạn bàn về cách giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương (vùng nông thôn) có thể mời các doanh nghiệp trên địa bàn, các chuyên gia về nông, lâm, ngư nghiệp... về nói chuyện sẽ có hiệu quả cao hơn.
Chúng tôi đã rất thành công khi mời thầy Nguyễn Lân Hùng (Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam) về nói chuyện với bà con ở Đại Từ (Thái Nguyên) trong một đợt tình nguyện. Thầy đã phân tích cụ thể đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… ở đó phù hợp để nuôi trồng cây, con gì… mang lại hiệu quả kinh tế cao và người nông dân tiếp thu rất nhanh...
Sắp tới nếu làm được, trước khi đưa ra các bản tham luận, phương hướng trình lên Đại hội Đoàn thì hãy đối thoại trực tiếp từ Đoàn các cấp.
Ngoài đối thoại trực tiếp, Đoàn có thể thực hiện thông tin qua đường dây nóng, hộp thư góp ý, qua diễn đàn website… mở trưng cầu ý kiến, thiết lập các box câu hỏi. Lượng câu hỏi có thể nhiều việc cụ thể nhưng tập hợp, khái quát chia theo chủ đề không phải công việc quá khó. Các lãnh đạo có thể trả lời hàng tuần, tháng, hoặc quý...
ĐHKH TN có một diễn đàn: http://svtunhien.net. Chúng tôi tạo box thu nhận tất cả các ý kiến của sinh viên: Từ thi cử, thư viện, việc làm, nhà trọ... tập hợp những câu hỏi lại trình lên Ban giám hiệu trả lời.
Hiện T.Ư Đoàn đang có website riêng, tuy nhiên thông tin ĐVTN cần ở đó là không nhiều. Ví dụ, kỹ năng thanh niên, kỹ năng cho cán bộ Đoàn, kỹ năng sống cho giới trẻ… mảng này còn thiếu và yếu trong khi đó nhu cầu muốn tìm hiểu của giới trẻ rất lớn. Hơn nữa đây cũng là kênh thông tin quan trọng giữa T.Ư Đoàn các cán bộ Đoàn các cấp.
Theo TPO