<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ba sự kiện lớn thể hiện cục diện</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ba sự kiện lớn
thể hiện cục diện phát triển mới của đất nước</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2006 là năm có nhiều sự kiện
quan trọng, đánh dấu những mốc son đáng nhớ trong quá trình hội nhập và phát
triển của nước ta, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng,
cả nước nói chung. Đó là, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của
tổ chức Thương mại thế giới WTO, tổ chức thành công diễn đàn Kinh tế Châu Á -
Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam được các nước Châu Á đề cử làm Ủy viên không
thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2008- 2009). Những tiền đề
này là "bệ phóng" giúp Việt Nam tiến nhanh trong quá trình hội nhập kinh tế thế
giới, khẳng định mình trên trường quốc tế. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">1. Gia nhập WTO - Thắng lợi
quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế:</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cái gõ búa ngày 7/11/2006 của
Eirik Glenne - Chủ tịch Đại hội đồng WTO, đã chính thức khép lại 11 năm đàm phán
cam go của Việt Nam trong tiến trình hội nhập tổ chức thương mại thế giới - WTO.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Đây là một nỗ lực to
lớn của toàn Đảng, toàn dân trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;
thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của
các nước trong cộng đồng quốc tế. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tham gia WTO, chúng ta có quyền
đề xuất thảo luận đề ra những quy định điều tiết hoạt động thương mại giữa các
quốc gia trên quy mô toàn thế giới; có quyền tham gia các diễn đàn của các quốc
gia thành viên tiến hành thỏa thuận các vấn đề thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở
hữu trí tuệ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Chúng
ta cũng có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia giải quyết các bất đồng,
tranh chấp phát sinh giữa các thành viên theo công ước quốc tế và luật WTO.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thực hiện chủ trương hội nhập
kinh tế quốc tế của Đại hội lần thứ VIII, IX, X của Đảng; trong những năm qua,
nước ta đã đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Gia nhập WTO sẽ mang lại
nhiều thời cơ, tạo "đà" phát triển cho đất nước. Điều này được thể hiện các mặt
dưới đây: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Gia nhập WTO, thuế quan giảm,
xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng; chúng ta có cơ
hội tiếp cận thị trường, hàng hóa và dịch vụ của các nước thành viên với mức
thuế nhập khẩu đã được cắt giảm. Hàng hóa xuất khẩu của ta được cạnh tranh bình
đẳng với các đối thủ khác. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Gia nhập WTO, chúng ta có thêm
cơ hội và điều kiện kiện toàn hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, công khai minh bạch các thiết chế quản lý theo quy
định của WTO. Chúng ta có thêm phương tiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế,
tranh thủ nguồn vốn nước ngoài đầu tư phát triển, kích thích tiêu dùng trong
nước, nâng cao uy tín thương mại quốc tế của Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Gia nhập WTO, hàng hóa và dịch
vụ được đối xử bình đẳng theo chuẩn mực của WTO; được cơ hội tham gia bình đẳng
vào hoạch định các định chế thương mại toàn cầu, nâng dần khả năng bảo vệ quyền
lợi thương mại, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Gia nhập WTO, thúc đẩy sự
chuyển biến ngày càng sâu rộng kết cấu giá trị các sản phẩm và dịch vụ theo
hướng tăng hàm lượng trí tuệ, đầu tư sáng tạo, xuất hiện nhiều sản phẩm mới,
ngành nghề mới trên cơ sở khai thác trí tuệ, góp phần cải tiến, chuyển giao, phổ
biến công nghệ, mang lại lợi ích cho người sáng tạo và người sử dụng. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Gia nhập WTO, có điều kiện thúc
đẩy cải cách trong nước đồng bộ và hiệu quả, có cơ hội lớn để duy trì và nâng
cao các thành tựu kinh tế xã hội… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải
đương đầu với nhiều thách thức sau khi gia nhập WTO. Bởi lẽ Việt Nam còn là một
trong những nước nghèo, hệ thống chính sách kinh tế - xã hội đang trong quá
trình hoàn thiện, chưa đồng bộ về kỹ thuật… Đó là những thách thức đối với các
cơ quan quản lý Nhà nước, đối với doanh nghiệp, đối với xã hội và cộng đồng dân
cư… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với các cơ quan quản lý Nhà
nước phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về luật kinh tế thương mại cho phù hợp
với các chuẩn mực quốc tế, bỏ các phương thức quản lý không phù hợp với WTO như
lệnh cấm, hạn chế định lượng, trợ cấp theo quy định; trợ cấp hệ thống thuế, đa
dạng hóa nguồn thu và công tác thu để đảm bảo nguồn thu trong danh sách không
biến động trong giai đoạn đầu gia nhập do việc cắt giảm thuế nhập khẩu. Nhà nước
chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao
động và cải tiến hệ thống an sinh xã hội… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với các doanh nghiệp Việt
Nam, phần lớn ít vốn, công nghệ không cao năng suất thấp; mà các doanh nghiệp
này cũng không được Nhà nước bao cấp nữa vì đã cam kết xóa bỏ các trợ cấp trái
với WTO. Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường nội địa tăng khi hàng rào
thương mại cắt giảm… tạo nên nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nước nhà.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với xã hội và cộng đồng dân
cư, hội nhập kinh tế quốc tế đưa ra những đòi hỏi cao hơn về trình độ lao động,
trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cũng như tác phong công nghiệp. Sự phân biệt giàu
nghèo càng gia tăng nếu không có những giải pháp và chính sách xã hội phù hợp.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tóm lại, gia nhập WTO là quá
trình hội nhập sâu sắc, toàn diện và mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, sẽ đem
lại cả cơ hội lớn lẫn thách thức lớn. Nếu ta không nắm bắt, tận dụng được cơ hội
lớn thì cùng thời gian, cơ hội có thể trở thành thách thức. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>2. Thành công APEC Việt Nam -
Củng cố nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">"Hướng tới một cộng đồng năng
động vì phát triển bền vững và thịnh vượng", tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự
của khoảng 10.000 đại biểu, doanh nhân, phóng viên báo chí trong và ngoài nước,
được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 - 19/11/2006. Trong tuần lễ Cấp cao APEC diễn
ra hàng loạt các sự kiện quan trọng: Hội nghị các Quan chức cấp cao kỳ tổng kết,
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao- Kinh tế lần thứ 18, Hội nghị các nhà lãnh
đạo Kinh tế APEC lần 14, Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư với Việt Nam…
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Là nước chủ trì, Việt Nam đã kiên
định các nguyên tắc cơ bản của APEC là "cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện và mở
rộng", vận dụng sách lược một cách linh động và khéo léo, chủ động đưa ra sáng
kiến, đi tới nhiều thoả thuận quan trọng, đưa hợp tác trong APEC lên tầm cao mới…
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Một là, Hội nghị các nhà lãnh
đạo kinh tế APEC thông qua tuyên bố Hà Nội khẳng định các kết quả hợp tác phong
phú của năm APEC 2006 với chủ đề do Việt Nam đưa ra "Hướng tới một cộng đồng
năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng". Cùng tuyên bố của Hội nghị
liên Bộ trưởng Ngoại giao- Kinh tế, tuyên bố Hà Nội đề ra phương hướng hợp tác
APEC trên tất cả lĩnh vực, cho tất cả diễn đàn của APEC năm 2007 và các năm tiếp
theo. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Hai là, các nhà Lãnh đạo APEC
phê chuẩn chương trình hành động Hà Nội, thực hiện lộ trình Busan, hướng tới tự
do hóa thương mại và đầu tư. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Ba là, các nhà Lãnh đạo APEC ra
tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Đô-ha, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ,
nhấn mạnh một số biện pháp thiết chế nhằm sớm khởi động lại Vòng đàm phán.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Bốn là, Lãnh đạo các nền kinh
tế APEC thông qua Báo cáo các biện pháp cải cách APEC, làm APEC ngày càng có sức
sống mạnh mẽ, năng động, hiệu quả hơn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Năm là, thúc đẩy thương mại và
đầu tư thông qua 6 biện pháp mẫu của hiệp định thương mại tự do song phương, hai
hướng dẫn mẫu về quyền bảo vệ trí tuệ, đánh giá kế hoạch hành động thuận lợi hóa
thương mại về giảm 5% chi phí giao dịch thương mại… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Sáu là, thúc đẩy hoạt động hợp
tác, đảm bảo an ninh trong khu vực; thống nhất mở rộng hợp tác ngăn chặn dịch
bệnh, thiên tai… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Bảy là, nhấn mạnh hợp tác kinh
tế - kỹ thuật, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. - Tám là,
thông qua kết quả năm với nhiều sáng kiến của Việt Nam như nâng cao năng lực
cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác du lịch, văn hoá…
</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">3. Việt Nam được các nước Châu
Á đề cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việt Nam được đề cử là ứng cử
viên duy nhất của Châu Á vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của thế giới
nói chung và Châu Á nói riêng đối với những đóng góp, vai trò quan trọng của
Việt Nam trong các hoạt động Liên Hiệp Quốc. Việt Nam chính thức đăng ký tranh
cử vào Hội đồng Bảo an từ tháng 2/1997 trong khuôn khổ vì hoà bình, đa phương,
đa dạng hóa quan hệ quốc tế. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần 30 năm là thành viên của Liên
Hiệp Quốc, Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách, có lúc bị phân biệt
đối xử, kỳ thị bởi các thông tin sai lệch. Thực hiện chính sách đối ngoại độc
lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng
là bạn, là đối tác tin cậy của các nước; Việt Nam đã chủ động tham gia vào nhiều
cơ chế hoạch định chính sách của Liên Hiệp Quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng
Liên Hiệp Quốc năm 1997, 2000, 2003; thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của
Liên Hiệp Quốc (1998- 2000), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử
(1991- 1993, 1997- 999, 2003-2005)… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tham gia Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc, Việt Nam cùng các nước có vai trò duy trì hòa bình và anh ninh quốc
tế, hoạch định và phát triển các quyết định của cơ quan về các vấn đề chính trị,
an ninh của thế giới…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Qua đây cho thấy, ngoài sự tín
nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, còn cho thấy bước phát triển mạnh
mẽ của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ đây càng củng cố vững chắc
niềm tin tưởng của nhân dân ta vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng trong
quá trình xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>HOÀI PHƯƠNG<br>
</b><i><b>(Tổng hợp từ Nguồn: Ba sự kiện lớn thể hiện cục diện phát triển mới
của đất nước- Ban TTVH Trung ương).</b></i></font></p>
</body>
</html>