“Sứ giả” chống... bỏ học
“Sứ giả” Trực (phải) với bố con bạn Nguyên, người học trò chưa từng được nếm chè, kem và bánh mì |
Hành trình bất tận
Khởi hành từ Đà Nẵng, với năm xe gắn máy trực chỉ hướng Quảng Nam cách đó 50km, chúng tôi đến xã Phú Thọ (Quế Sơn, Quảng Nam). Bố mẹ HS Thanh tiếp khách trong bộ quần áo nhà nông sũng nước ruộng. Không khác người thân trong nhà, “sứ giả” Thông ân cần hỏi thăm sức khỏe, việc làm, thu nhập, chuyện học của Thanh. Anh Bình, bố Thanh, cho biết: nhà có hai sào ruộng, lúa một vụ có trúng mùa cũng chỉ đủ bốn miệng ăn. Tám năm trước, anh Bình làm đã không may bị mìn nổ cụt tay, nát hai bàn chân. Thông động viên: “Anh chị ráng một chút, tụi tôi ráng một chút, hi vọng rồi sẽ qua”.
Nhà của Hoa, một HS khác, nằm cách trường một khe suối và 2km đường ruộng. Bữa cơm đến trường của ba chị em chỉ là một ít rau muống luộc. Chị Nhí, mẹ Hoa, cho biết mỗi bữa chỉ dám nấu một lon rưỡi cho năm miệng ăn. Vợ bị cao huyết áp, chồng phù thận, cả hai bảo: “Chừng mô không còn tiền thì cho tụi nhỏ nghỉ học”. Nghe thế, “sứ giả” Phong mềm mỏng: “Tôi sẽ đề xuất SPELL hỗ trợ thêm một đứa, anh chị cố đừng để các em nghỉ học, tội nghiệp”.
Còn Nguyên, người học trò này sống trong ngôi nhà lợp lá mía phơi khô. Bố bị tâm thần nhẹ, bản thân Nguyên mắc bệnh phong, móng rộp da sần. Lúc ra về, “sứ giả” Trực kín đáo dúi vào tay cậu bé 10.000 đồng, dặn dò: “Hễ bố mẹ có bắt nghỉ học thì điện thoại cho chú”.
Ở xã Quế Phong, chúng tôi gặp bạn Huyền, mồ côi cha mẹ. Huyền và em trai út sống với bà nội. Còn bé Trân, lớp 3 có cha bại liệt, mẹ làm nông vất vả nuôi bốn miệng ăn. Các “sứ giả” cứ lắng nghe, chia sẻ, động viên và để lại số điện thoại cá nhân để “lỡ có chuyện gì”...
Đời “sứ giả”
Ngọc Tùng, điều phối viên, cho biết đến thăm hộ gia đình chỉ là một trong các nội dung của SPELL, nhưng hằng năm cũng đã “ngốn” mất mấy tháng trời với ít nhất gần nửa tháng cho mỗi tỉnh. Ngoài thăm hỏi, các “sứ giả” còn ghi nhận gia cảnh, điều kiện học hành, động viên gia đình quan tâm chuyện học... Lịch di chuyển dày đến chóng mặt. Khi “hành quân” nhóm không nghỉ trưa, đói thì tạt vô quán cóc kêu tô mì gói. Lịch hẹn rất sát nên có lần đã đi cả trong mưa bão ở Phú Yên. Lần đó, xe của Đình Kiên vấp liên tiếp hai “ổ voi” trên đường, may gần trạm cấp cứu.
Thật ra, các thành viên SPELL ít khi dám kể hết nỗi nhọc nhằn từ những chuyến đi, chẳng hạn như chuyện vượt những con dốc thẳng đứng ở Quảng Bình. “Tụi này cứ thế bươn lên chứ đâu dám nhìn xuống” - Thông nhớ lại.
Đội mưa dầm nắng, ăn uống thất thường nên sau mỗi chuyến đi ai nấy đều rã rời, đau dạ dày, lở miệng, tắt tiếng. Vậy mà lúc trò chuyện họ chỉ nói về những mảnh đời trẻ thơ cơ cực. “Cứ mỗi lần có bão lũ là bọn mình lại canh cánh nỗi lo các em bỏ học” - Đình Kiên bộc bạch.
“Cái hay của SPELL là hỗ trợ thiết thực và lôi kéo cộng đồng tham gia” - ông Trần Ngọc Du, chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nhận xét. Thật vậy, từ năm học 2006-2007, SPELL còn “bày vẽ” chuyện tặng hơn 600 chiếc xe đạp cho các HS ở xa trường, làm con đường đến lớp của các bạn nhỏ như ngắn bớt lại. Các “sứ giả” còn phối hợp với nhà trường tổ chức dạy phụ đạo, kiểm tra kiến thức của học trò SPELL dưới hình thức hội thi “đố vui”. Hàng loạt chi hội khuyến học SPELL đã hình thành tại các trường để theo sát các HS có nguy cơ bỏ học.
“Đến lúc nào đó bọn mình sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ” - Ngọc Tùng cho biết. Đấy là chuyện sau này, còn bây giờ các “sứ giả may mắn” vẫn tiếp tục “hành quân” đến với những mảnh đời đang có nguy cơ sớm giã biệt thời áo trắng tinh khôi.
TTO.