Lịch sử một bài thơ
Tiếng hát Quốc ca
Ngựa hồng dừng chân
Bên quân y viện
Giựt mình nghe tiếng
Quốc ca vang.
Xuống ngựa buộc cương
Hỏi ra mới rõ
Bác sĩ đang cưa chân
Một thương binh bằng cưa thợ mộc.
Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương nước mắt tràn trề
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Người chiến sĩ vẫn mê mãi hát.
Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng giọt đỏ hồng
Hai tay anh xiết chặt đôi hông
Dồn đôi phổi vào trong tiếng hát:
"Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc..."
Đã hát đi hát lại bao lần
Vẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa ngừng máu đỏ...
Trở lên yên ngựa đi từng bước nhỏ
Cúi đầu nặng nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dưng cao đầu ngựa dậy.
Cả núi rừng
Như còn lắng nghe lời chiến sĩ
"Tiến mau ra sa trường...
Tiến lên! Cùng tiến lên!..."
Và vang trời ngựa hí
Chí phục thù cháy bỏng tay cương.
HUỲNH VĂN NGHỆ
Tác giả bài thơ là Huỳnh Văn Nghệ và nhân vật chính trong bài thơ là Bùi Xuân Tảo, cả hai đã qua đời nhưng bài thơ vẫn còn sống mãi với núi sông.
Đêm 1-1-1946, chỉ 3 tháng sau khi quân viễn chinh Pháp tái chiếm Biên Hòa, lực lượng vũ trang cách mạng non trẻ với tên gọi Vệ quốc đoàn đã tổ chức một trận tập kích quy mô vào thị xã Biên Hòa tạm chiếm. Chính trong trận này, chiến sĩ Bùi Xuân Tảo bị thương gãy chân khi tấn công tiểu đội Âu Phi đóng tại bồn nước trước bệnh viện Đồng Nai hiện giờ. Anh đã dùng hai tay nâng cái chân bị gãy di chuyển đến đình Tân Nhuận (Tân Uyên) để được cấp cứu. Tại đây với điều kiện thiếu thốn đủ thứ, thể theo yêu cầu của anh, y tá đã dùng thuốc đỏ, cưa thợ mộc và không có thuốc gây mê, gây tê, cưa rời chân anh khi anh nghiến răng nén chịu đau đớn hát đi, hát lại bài "Tiến quân ca" cho đến khi anh ngất lịm hẳn trước sự cảm phục, nức nở của mọi người.
Cho đến nay nhân dân Biên Hòa, Tân Uyên vẫn nhớ thương và tự hào về anh Bùi Xuân Tảo và Huỳnh Văn Nghệ tác giả bài thơ của mình.
CHÍ KHẢ (st)