“Thập diện mai phục” xin chữ ký tác giả

“Thập diện mai phục” xin chữ ký tác giả

Người dẫn chương trình vừa thông báo tác giả cuốn sách sẽ ký tặng và yêu cầu bạn đọc xếp hàng thứ tự thì cả trăm, thậm chí cả ngàn bạn đọc, hầu hết là người trẻ, ào lên sân khấu, “thập diện mai phục” tác giả.

Đó là khung cảnh không quá xa lạ “kết” lại những buổi giao lưu với các tác giả những cuốn sách đang “hot”.

Người xin cũng khó, người cho cũng khổ

Khi đặc biệt yêu thích tác phẩm nào, nhiều người thường mơ ước được đối diện, đối thoại với tác giả hay có một chữ ký tặng của tác giả trên chính cuốn sách mình yêu thích ấy.

Eran Kats (áo đỏ) - học giả người Israel đã lập kỷ lục Guinness về khả năng nhớ được dãy số có 500 chữ số sau khi nghe chỉ một lần (tác giả cuốn Bí mật của một trí nhớ siêu phàm) - trong vòng vây xin chữ ký vào chiều ngày 17-3 tại hội sách TP.HCM lần 6

Mơ ước ấy thành hiện thực với không ít người khi một số tác giả nước ngoài nổi tiếng đã đến Việt Nam để "bắc nhịp trái tim" như Marc Levy (tác giả Nếu em không phải một giấc mơ, Kiếp sau...), Janusz Leon Wiśniewski (tác giả Cô đơn trên mạng, Tình nhân...), Alessandro Baricco (tác giả Lụa, Đại dương biển...), Eran Kats (tác giả cuốn Bí mật của một trí nhớ siêu phàm, Trí tuệ Do Thái...), tỉ phú Thái Lan Vikrom Kromadit (tác giả tự truyện Tay không gây dựng cơ đồ), triệu phú trẻ tuổi của Singapore ADam Khoo (tác giả Tôi tài giỏi, bạn cũng thế...)...


Tỉ phú Thái Lan Vikrom Kromadit (tác giả tự truyện Tay không gây dựng cơ đồ) không kịp ngồi khi các SV "xông lên", "bao vây" xin chữ ký

 

Điều làm các tác giả xúc động nhất là sự nhiệt tình đến mức cuồng nhiệt của bạn đọc. Thường thì sau phần giao lưu, tác giả sẽ ký tặng sách. Đây cũng là “tiết mục không ít người trông đợi nhưng cũng hao tâm tổn sức nhất vì thường phải chen lấn.

Trong buổi giao lưu với tỉ phú Thái Lan Vikrom Kromadit vào ngày 10-12-2009 tại hội trường 1 Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, dù chương trình chưa kết thúc, hàng trăm SV ùn ùn đổ ra cửa, đổi phiếu lấy sách tặng và ào lên sân khấu xin chữ ký của Vikrom Kromadit.

Vikrom Kromadit vẫn ký tặng nhưng ngay sau đó, một thành viên ban tổ chức đưa ông vào sau sân khấu và người dẫn chương trình hết lời thuyết phục rằng chương trình chưa kết thúc. Đến khi thật sự đến phần ký tặng thì sân khấu trở nên cực kỳ lộn xộn, hàng trăm người "bao vây" tác giả, mặc kệ ban tổ chức liên tục kêu gọi xếp hàng và khẳng định tác giả sẽ ký tặng đến người cuối cùng.

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở buổi giao lưu với Eran Kats vào chiều 17-3-2010 tại hội sách TP.HCM lần 6. Dù người dẫn chương trình yêu cầu xếp hàng nhưng chỉ trong tích tắc Eran Kats bị bao vây tứ phía và phải đứng ký dù có sẵn bàn ghế cho ông. Giữa cái nóng hầm hập, mặt Eran Kats đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm và không giây nào ngơi nghỉ ký tặng.

Xếp hàng: chuyện quen mà vẫn cứ lạ


Nhà văn Ý nổi tiếng Alessandro Baricco - tác giả của Lụa - may mắn khi có thể ngồi ký tặng giữa vòng rất nhiều bạn đọc bao quanh tại hội sách TP.HCM lần 6-2010

 

T.Thảo - SV năm 3 khoa báo chí và truyền thông ĐH KHXH&NV TP.HCM, khi tham gia buổi giao lưu với Alessandro Baricco tại hội sách TP.HCM lần 6 - cho biết: “Mình cảm thấy khung cảnh xin chữ ký lộn xộn và hơi kỳ! Xếp hàng xin chữ ký chỉ là một hành động nhỏ, thể hiện ý thức vậy mà dường như vẫn quá khó. Nếu yêu thích ai đó, mình không bao giờ lao vào, tạo thành đám đông để xin chữ ký, đơn giản vì mình tôn trọng người đó. Mình sẽ đợi sau khi chương trình kết thúc và chắc rằng sẽ không làm phiền tác giả thì mới đến xin chữ ký".

Còn thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt - chia sẻ: một số người xin chữ ký không xuất phát từ sự quý trọng, đánh giá cao giá trị của tác giả, tác phẩm mà đơn giản là hành vi mang tính trào lưu, là cách chứng tỏ “chiến tích” với người khác, đặc biệt là người cùng trang lứa. Không ít bạn trẻ không thấu hiểu rằng tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng mình. 

Anh Trần Đăng Khoa - giám đốc điều hành Công ty cổ phần TGM, đơn vị từng tổ chức những buổi giao lưu giữa Adam Khoo với bạn đọc - có góc nhìn khác: "Để xảy ra tình trạng lộn xộn khi xin chữ ký thì ban tổ chức phải chịu trách nhiệm. Người dẫn chương trình phải có khả năng thuyết phục, hướng dẫn bạn đọc xếp hàng".

Với không ít người, chờ đợi là điều khó chịu, nhưng nếu so sánh giữa điều khó chịu ấy với một nét đẹp trong ứng xử, một sự thoải mái mang lại cho nhiều người khác, nhất là người mình yêu quý, thì quả thật cán cân chắc chắn sẽ lệch! Song từ chỗ nghĩ đến hành động dường như vẫn "nghìn trùng xa cách".

"Do ảnh hưởng sâu nặng từ văn hóa tiểu nông, chúng ta chưa xây dựng được văn hóa xếp hàng. Ai cũng muốn mình là người sớm nhất. Giới trẻ ngày nay được rèn luyện xếp hàng thông qua hoạt động xếp hàng vào lớp mỗi buổi học. Nhưng dường như biện pháp đó chưa đủ mạnh vì chúng ta chưa có một căn cơ về giáo dục văn hóa ứng xử nơi công cộng đủ để chiến thắng “nhu cầu giành giật” thôi thúc bên trong.

Trong khi chờ nhà trường làm được việc này, mỗi cơ quan, đoàn thể khi tổ chức bất cứ một hoạt động nào cần xếp hàng hãy tạo những hàng cột, giăng dây để nhắc nhở mỗi người ứng xử văn minh hơn. Đặc biệt, những người đọc sách -  là những người có văn hóa - hãy thể hiện văn hóa của mình trong hành vi xếp hàng xin chữ ký - một hành vi rất nhỏ nhưng thể hiện nền tảng nhân cách và văn minh của một con người.

Đừng chèn ép những tác giả mà bạn yêu quý. Đừng để các tác giả phải “trốn về bằng cửa sau”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM 

 Theo TTO

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sáng ngày 20/4/2025, hơn 5000 bạn sinh viên hào hứng tham gia ngày hội văn hoá 2025 được diễn ra tại Nhà Văn hoá Sinh viên TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động đã mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ và khơi dậy tinh thần gìn giữ bản sắc văn hoá của thế hệ trẻ Việt Nam. …

Agile Việt Nam
;