Khép lại ước mơ đại học

Chương trình học bổng khuyến tài

Khép lại ước mơ đại học

"Mùa nước ngập, tôi và má nó lo đi làm mướn. Nó lội bộ trên 7 cây số đến trường, nhiều khi tới trường thì ướt loi ngoi. Ở cái ấp Tân Quới, thuộc vùng sâu của xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang này, nhà có con học đến lớp 12 đếm trên đầu ngón tay", ông Trương Văn Hoá, cha của Trương Hoàng Giang, đang học lớp 12A trường PTTH Tầm Vu, nói. "Bởi vậy, thấy con ham học vợ chồng tôi mừng lắm. Lúc bí quá, tôi có thử kêu con nghỉ học, nhưng nó nhất quyết không chịu".

Khi có ai thuê mướn, Giang sẵn sàng làm việc cật lực, không từ nan để kiếm thêm chút tiền đi học

Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhiều lúc cha mẹ đi làm thuê chỉ còn hai anh em. Giang là anh trai, Ngân là em gái. "Quyền huynh thế phụ", Giang vừa lo cơm nước, chặt củi, dạy em học… và sẵn sàng làm việc cật lực khi có ai thuê mướn. Việc học hành của Giang là tấm gương cho em. Chỉ có học giỏi hơn mới không phụ lòng cha mẹ. 12 năm Giang là học sinh giỏi. Căn nhà lá nhỏ hẹp, ở đậu trên đất của người bác, mùa mưa tới không lợp lại thì chẳng khác gì ngoài sân. Trong nhà chỉ có cái bóng đèn điện lơ lửng là quý giá nhất bởi nó giúp cho anh em Giang học hành. Nhiều đêm cúp điện, đốt đèn dầu, ánh sáng không đủ soi sáng cái bảng đen chưa đầy 5 tấc vuông. Cái bàn nhựa nho nhỏ, hai cái ghế thấp lè tè. Nhưng đó là nơi anh em Giang đèn sách. Nhà nghèo, không có con đường nào khác là phải học thật giỏi để tiếp cận những cơ hội mới. Nhưng càng lên lớp lớn, học phí, sách vở… cho hai anh em Giang càng tăng thêm, chất chồng khiến cha mẹ càng lao nhọc. Ông Hoá, cha Giang, thường nói với con: "Dù phải bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, cha mẹ cũng sẽ ráng lo cho con".  Lo cho con ăn học, hằng ngày ai thuê cuốc đất, lên liếp, đào mương, làm cỏ, dặm lúa… cha mẹ Giang không từ nan, họ cần việc để làm, để có tiền lo cho con đến trường.

"Mỗi khi đến hạn đóng học phí, thấy cha mẹ tiền vay bạc hỏi, Giang cầm lòng không đậu, muốn nghỉ học để cha mẹ bớt cực khổ. Tôi an ủi con, nói mỗi lần đi làm về rã rời, thấy con khoe điểm 10, khoe giấy khen của trường, là mọi mệt mỏi của mẹ tan đi hết", mẹ Giang nói. "Tôi và ba nó nói với nhau, thây kệ, cực cỡ nào cũng phải chịu, làm lụng vất vả tới đâu cũng được miễn sao con mình được học tới nơi tới chốn".

Mỗi ngày cha mẹ cho 2.000 đồng, hôm nào được 5.000 đồng, Giang dành dụm mua sách đọc thêm. Cô chủ nhiệm Đặng Ngọc Diễm nói: "Giang là học sinh gương mẫu, chịu khó. Nhà xa trường và gặp khó khăn cuộc sống nhưng em không bao giờ nghỉ học, hay giúp đỡ hướng dẫn những bạn yếu hơn mình. Thành tích học tập của em không lúc nào sa sút. Giang là tấm gương sáng xứng đáng để các bạn trong lớp noi theo". Tuy nhiên, hơn ai hết, Giang nhận ra niềm ước mơ của em vẫn nằm trên lưng cha mẹ, càng mơ ước thì cha mẹ càng phải chịu cảnh lưng còng, gối mỏi.

Chia tay Giang, nhớ câu chuyện năm học lớp 9, lúc Giang đoạt giải khuyến khích môn vật lý cấp tỉnh, cả nhà mừng muốn rớt nước mắt, còn Giang thì rối bời vì nếu con đường học vấn mà Giang đang đi tới, đậu đại học thì cha mẹ càng nặng gánh lo toan! Cậu học trò nghèo buồn bã tâm sự: "Em đã từng mơ được bước chân vào trường đại học, nhưng có lẽ thi đậu tú tài xong em sẽ xin làm công nhân ở xí nghiệp hay công ty nào đó để có tiền lo cho Ngân đi học". Giang nói về việc khép lại giấc mơ của mình mà ánh mắt vẫn đau đáu, long lanh một nỗi khát khao không tắt...

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Khi có ai thuê mướn, Giang sẵn sàng làm việc cật lực, không từ nan để kiếm thêm chút tiền đi học

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vừa qua, Ban Chỉ huy Chiến dịch tình nguyện Hoa Phượng Đỏ TP.HCM phối hợp với Đoàn các Cơ quan Đảng TP và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ khánh thành công trình khu vui chơi thiếu nhi tại xã Tân Nhựt, TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm trong chiến dịch Hoa Phượng Đỏ lần thứ 20 – …

Agile Việt Nam
;