Lắng nghe “Tiếng nói học sinh trung học phổ thông”
Sáng 27/3/2009, hơn 130 học sinh là cán bộ Đoàn khu vực trường học đã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP về những suy nghĩ, băn khoăn trong học tập, phát triển kĩ năng và công tác Đoàn thông qua buổi tọa đàm “Tiếng nói của học sinh TP.HCM”. Đồng chí Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đóng góp nhằm chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Trường phổ thông với công tác giáo dục thanh niên trong tình hình mới” dự kiến tổ chức trong tháng 4/2009.
Cùng tìm phương pháp học tốt
![]() |
Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi đề cập đến chương trình học, về công tác giảng dạy, phong trào Đoàn tại nhà trường, vấn đề “chảy máu chất xám”. Điểm đặc biệt là có nhiều ý kiến, giải pháp được đưa ra nhằm cải thiện việc học tốt hơn. Bạn Trương Thị Xuân Yến (trường THPT Lê Quí Đôn) cho biết chương trình học của bạn “nặng” về lí thuyết, phải học 14 môn/ tuần, thời gian thực hành ít và những môn học chuyên ban được “đào sâu” hơn những môn còn lại.
Còn bạn Trịnh Thị Huyền Trân (trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) nói: “Lo lắng của em là kĩ năng “mềm” còn thiếu, em không tự tin trước đám đông để bày tỏ ý kiến, trong khi em được trang bị kĩ năng “cứng” tại lớp rất nhiều!”. Vì vậy, nhiều bạn đã giới thiệu mô hình “Học bằng cách thuyết trình”, thảo luận nhóm trên powepoint để tăng tính chủ động của học sinh, lấy người học làm trung tâm; đẩy mạnh hoạt động của các CLB Văn học, CLB Sử, CLB kĩ năng tại nhà trường.
Đồng chí Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng chương trình học tại các trường THPT khá “nặng”. Ông nhất trí với những mô hình học tập mới tăng tính chủ động, tự học của học sinh.
Buổi tọa đàm có nhiều ý kiến phản ánh của học sinh về vấn đề “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Thực trạng cho thấy, nạn văng tục, chửi thề, ứng xử, giao tiếp kém văn hóa, tình trạng xả rác bừa bãi luôn tiếp diễn. Đặc biệt, việc sử dụng tiếng Anh không đúng nơi, đúng chỗ cũng gây phản cảm trong học đường.
Bạn Thủy Ngân (lớp 10, trường THPT Ngôi Sao) kể “Trong giờ học Tiếng Anh, nhiều bạn không dám phát biểu vì sợ sai nhưng khi chat, viết blog hay làm bài văn thì sử dụng tiếng Anh vô tội vạ. Có bạn “khoe” vốn tiếng Anh với người nước ngoài mà không biết mình đã phát âm sai!”. “Văn hóa ứng xử và văn hóa giao tiếp nên được bổ sung vào bộ môn Giáo dục công dân”, bạn Trọng Tân (trường THPT Gò Vấp) góp ý.
Đặc biệt, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề “chảy máu chất xám” trong giới trẻ. Đồng chí Huỳnh Công Minh nhấn mạnh “Học sinh du học và làm việc tại nước ngoài là một nhu cầu chính đáng của người trẻ. Quan trọng không phải bạn học và cống hiến ở đâu mà quan trọng là cống hiến những gì và cống hiến như thế nào cho đất nước”. Đồng chí cũng nhấn mạnh tính chủ động trong học tập chiếm tỉ lệ thành công trong học vấn của mỗi học sinh. Đồng chí nói: “ Tính cần cù, chăm chỉ, hiếu học và phương pháp học tập hợp lí là quan trọng nhất. Học từ sách giáo khoa, từ thầy cô, từ những điều tốt trong xã hội và giúp bạn học tốt cũng là một phương pháp giúp mình học tốt”
Vai trò Đoàn - không thể thiếu!
Thạc sĩ Nguyễn Bác Dụng - hiệu trưởng trường THPT Trần Đại Nghĩa khẳng định hoạt động Đoàn ảnh hưởng lớn đến sự năng nổ, tính chủ động của học sinh vì Đoàn là môi trường tốt nhất để học sinh rèn luyện phẩm chất, kĩ năng. Nhiều hoạt động Đoàn tại nhà trường đã tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh phát triển “kĩ năng mềm”. Ngày hội Bí thư Chi đoàn trường học, ngày hội “Tập trung trí tuệ - Nắm bắt tương lai” do Thành Đoàn phát động đã góp phần rèn luyện, kết hợp giữa chơi và học.
Anh Đoàn Hùng Vũ Hưng - Phó ban Thanh niên trường học Thành Đoàn, cho biết: “Để hoạt động Đoàn mang tính hiệu quả, thiết thực, cán bộ Đoàn cần phải mạnh dạn góp ý cho nhà trường tổ chức nhiều hoạt động. Các bạn phải làm cho bạn bè, thầy cô tin tưởng bằng những hoạt động thiết thực và thu hút”.
Nhiều ý kiến mong muốn Thành Đoàn sẽ tạo nhiều sân chơi giao lưu với học sinh nước ngoài để giao lưu văn hóa, hoặc tổ chức những buổi tọa đàm với các trường Đại học, Cao đẳng nhằm tìm kiếm hướng đi nghề nghiệp phù hợp. Bạn Trọng Tân (trường THPT Gò Vấp) cho biết: “Trong năm 2008, trường đã tổ chức giao lưu với sinh viên Hàn Quốc, sinh viên Singapore về hoạt động tình nguyện và được sự quan tâm của nhiều bạn học sinh. Em hi vọng năm 2009, mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng”. Còn bạn Phan Quang (trường THPT Mạc Đĩnh Chi) kiến nghị Đoàn, Sở Giáo dục Đào tạo cần quan tâm hơn những bạn có hoàn cảnh khó khăn, tạo môi trường tốt nhất để các bạn rèn luyện.
Đồng chí Huỳnh Công Minh chia sẻ “Tôi vui mừng vì phần lớn các em đã có nhận thức đúng đắn về tình hình chính trị - xã hội, từ đó có tư duy trưởng thành tốt và biết nâng cao vai trò của cán bộ Đoàn trong học tập và rèn luyện”. “Với người học, quan trọng nhất vẫn là phương pháp học tập hợp lí, cần cân nhắc khi chọn trường, chọn ngành đúng với năng lực học của mình”, đồng chí cho biết thêm.
THIÊN THANH