Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:
Rèn luyện đạo đức Cách mạng phải bắt đầu từ những việc cụ thể hằng ngày
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã đi xa, nhưng để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo.
Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành sự quan tâm của mình cho việc giáo dục đạo đức. Những bài viết, bài nói của Bác về đạo đức cách mạng xuyên suốt cả tiến trình cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bác từng căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Bác luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện đảng viên về phẩm chất đạo đức và đặt lên trên hết là vấn đề tư cách người cách mạng. Hơn ai hết, Bác là người thực hiện trước nhất những điều mình đã nói, viết. Một nét rất riêng, một đặc trưng nổi bật ở Bác là luôn có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn. Do đó, Bác đặt ra yêu cầu cho mỗi người nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, đức và tài, trong đó đức là gốc. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Bác viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Theo Bác để có đạo đức cách mạng thì mỗi cán bộ, đảng viên phải hội tụ các đức tính không thể thiếu đó là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Để nói lên tầm quan trọng của các đức tính ấy, Bác đã sáng tác một bài thơ trong đó có đoạn:
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu,
Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người.
Thực vậy, cần, kiệm, liêm, chính càng cần thiết đối với cán bộ, đảng viên. Bởi vì nếu cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cách mạng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, những người trong cơ quan chính quyền mà không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên tha hóa, sách nhiễu, cửa quyền đối với nhân dân. Thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bởi vì chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng.
Ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng và chính quyền cách mạng của ta rất được nhân dân tin yêu, sẵn sàng theo Đảng, theo Bác. Và mỗi một cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ sống rất có lý tưởng, chấp nhận đồng cam cộng khổ hết lòng vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, thế mà Bác vẫn không xem nhẹ việc chấn chỉnh lề lối làm việc. Sở dĩ nhân dân tin Đảng vì thực tế cho thấy cán bộ, đảng viên lúc nào cũng gương mẫu, gần gũi với nhân dân, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, sớm giải quyết những khó khăn, nhu cầu chính đáng của họ mà không hề có sự ca thán hay nhũng nhiễu, gây khó dễ. Cho nên mọi chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước dễ dàng được tuyên truyền đến mọi người dân mặc dù điều kiện thông tin đại chúng lúc ấy chưa phải là quá thuận lợi.
Còn hiện nay thì sao, Đảng ta có lúc phải đau lòng thừa nhận sự tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhất là những người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị đã phần nào làm vô hiệu hóa toàn bộ công tác xây dựng Đảng, làm cho tổ chức Đảng tê liệt, mất đi chức năng lãnh đạo. Có thời gian, dư luận xôn xao, bàng hoàng khi nhiều vụ việc cán bộ, đảng viên, thậm chí cấp cao tham nhũng, cố ý làm trái để thu lợi bất chính cho bản thân, có lối sống sa đọa trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam được cơ quan công an phát hiện. Câu hỏi đặt ra tại sao khi đất nước hòa bình, độc lập có điều kiện phát triển lại có quá nhiều những cán bộ, đảng viên vi phạm vào những điều cấm kị đến thế? Phải chăng tự lúc nào đạo đức cách mạng đã bị buông xuôi, đây là điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Họ – những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất – đã không thể vượt qua những cám dỗ của cuộc sống thực tại, những giá trị tốt đẹp trước đây không thể sánh bằng nhà cao, cửa rộng, xe hơi đắt tiền… Đáng buồn hơn, tôi thấy có những người từng là tấm gương sáng cho giới trẻ, là nỗi khiếp đảm cho những tay giang hồ du đãng, cướp giật nhưng rồi lại cũng bị những cám dỗ vật chất tầm thường kia quật ngã, để rồi cùng với bọn xấu ra đứng trước vành móng ngựa…
Dĩ nhiên những hành động sai trái đó phải bị trả giá nhưng hậu quả mà nó để lại cho xã hội, cho sự an nguy của đất nước là rất lớn không thể cân đong đo đếm được. Lòng tin của nhân dân vào Đảng dần mai một, có những người dân lao động ít học thì chỉ biết lau mồ hôi mà than thở “có chức có quyền mà, ông nào chẳng thế”, rồi nhiều cán bộ, đảng viên mặc dù làm tốt, có đạo đức vẫn phải bị đánh đồng. Và nếu như nhân dân ta đều có cái nhìn bi quan như thế thì liệu Đảng ta có thể lèo lái được con thuyền cách mạng của đầt nước được nữa không!? Đây cũng là điều mà các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, thổi phồng các mặt tiêu cực của Đảng, Nhà nước, phủ nhận sạch trơn những thành quả tốt đẹp mà bấy lâu nay chúng ta có được, song song với việc đó là sách động những phần tử xấu gây bạo loạn chống phá Nhà nước ta.
Do đó, hơn lúc nào hết, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng bay giờ phải được đặt lên hàng đầu, người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức tốt kết hợp với có năng lực chuyên môn giỏi, nói như Bác là vừa “hồng” vừa “chuyên” có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Hơn hết cán bộ, đảng viên lúc nào cũng phải ví mình là “đầy tớ” của nhân dân, phải thật sự sống gương mẫu, đạo đức, chẳng hạn khi đứng trước dân để phát biểu ý kiến mà anh không thật sự gương mẫu, không gần gũi với dân thì liệu lời nói của anh có thuyết phục được người khác không.
Trong những năm vừa qua, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong xây dựng Đảng, chúng ta quan tâm rất nhiều đến nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng, coi trọng việc giáo dục phẩm chất đạo đức. Đại hội X của ta đã đánh giá “công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Đa số cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo, giữ gìn phẩm chất đạo đức”. Bản thân tôi nhận thấy từ khi cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhất là lớp đoàn viên thanh niên nhiệt tình hưởng ứng, xem đó là tiêu chuẩn để rèn luyện của người thanh niên trong thế kỷ XXI. Ngay trong chi đoàn giáo viên trường tôi công tác, các đợt thảo luận, thuyết trình về các câu chuyện đạo đức của Bác diễn ra sôi nổi, hào hứng với nhiều ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc. Mỗi đoàn viên giáo viên còn cố gắng phổ biến, tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh ở những lớp mình giảng dạy cùng tham gia đợt vận động này bằng những hành động thiết thực nhất như nhặt được của rơi trả cho người bị mất, tiết kiệm tiền quà ủng hộ cho bạn có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nói không với tiêu cực trong kiểm tra, thi cử, không quay cóp, không sử dụng tài liệu… Trường hợp, học sinh nào tiêu biểu làm nhiều việc tốt đều được tuyên dương, khen thưởng xứng đáng trước toàn trường đã góp phần nhân rộng nhiều gương Người tốt việc tốt trong trường đảm bảo hiệu quả giáo dục cao. Và bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục thì cũng cần sự nỗ lực rất lớn từ bản thân của mỗi người, đây không phải việc của một sớm một chiều mà là rèn luyện trong suốt cả cuộc đời, sao cho xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác lúc sinh thời cũng như khi vào cõi vĩnh hằng.
PHẠM MINH TÂM - (Giáo viên)