Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX: Có Chiêu “tình nguyện” là an tâm!

Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc

Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX

Có Chiêu “tình nguyện” là an tâm!

Sau giờ làm việc, anh phó chủ tịch xã Hưng Phước vẫn tất bật với công việc đời thường

Chọn mảnh đất đầy nắng, gió nằm vắt vẻo biên giới, không người thân, không quen biết, Trần Văn Chiêu cứ phăm phăm đi về với bà con xã Hưng Phước (Bù Đốp, Bình Phước) chỉ với tâm nguyện là làm được cái gì đó cho bà con vùng biên này.

“Chiêu à! Dạo này già hư lắm, uống rượu suốt ngày. Uống rượu về còn la mình nữa. Buồn lắm! Chiêu nói cho già bớt cái tật xấu ấy đi”, vợ già làng Điểu Keng (ấp Bù Tam) nhờ Chiêu khi anh vào thăm nhà. Đang dở câu chuyện với già, lại nghe: “Chiêu ơi, chết con bé rồi! Thằng kia tông con bé bỏ chạy. Máu nhiều lắm!”, Chiêu lại chạy ra bế cô bé đang bê bết máu, chân đạp vội chiếc xe máy cà tàng, tay xốc cô bé chạy lên trạm y tế xã...

Gặp Chiêu cách đây ba năm khi anh mới là trí thức trẻ tình nguyện chân ướt chân ráo về Hưng Phước, tôi luôn nghe bà con gọi tên anh khi nhờ việc, khi hỏi han, khi lại cho bó rau, chén gạo... Ở đâu Chiêu cũng được bà con niềm nở “cậu Chiêu tình nguyện đây mà”.

Bỏ công việc ở Chi cục Thuế Ayun Pa (Gia Lai), Chiêu cầm mảnh bằng khoa kinh tế, ĐH Huế vào TP.HCM lập nghiệp. Chưa đầy năm, biết dự án kêu gọi trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi, “máu đi và làm” của anh đảng viên trẻ thôi thúc Chiêu. Thế là lên đường dù anh biết rằng con đường trước mắt không chỉ xa lạ. Đảm trách công việc hỗ trợ công tác khuyến nông, thống kê diện tích rừng bị phá, vận động bà con trồng rừng, Chiêu lân la đến từng nhà bà con ở sáu ấp của Hưng Phước như người thân thuộc.

Từ năm 2002 đến nay, Bình Phước đã có năm dự án (hai của Trung ương Đoàn và ba dự án từ ngân sách tỉnh) đưa 220 trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi. Anh Hoàng Anh, trưởng Ban thanh niên nông thôn - Tỉnh đoàn Bình Phước, từng phụ trách ba dự án, cho biết: "Các dự án này mang lại hiệu quả rất cao, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đào tạo các bạn trẻ từ thực tiễn cuộc sống, góp phần giảm nguồn ngân sách của tỉnh cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên việc giải quyết đầu ra rất khó khăn ở một số cấp cơ sở". Theo anh, rất cần ban hành chính sách cho trí thức trẻ phát triển nông thôn và miền núi để thu hút nhân tài về cơ sở, đồng thời chọn lọc kỹ đầu vào để nâng chất lượng tình nguyện viên.

Kết thúc dự án 8-2005, Chiêu vừa làm cán bộ văn hóa trung tâm vừa làm thư ký Đảng ủy của xã. Khi tách xã (1-7-2005), nhờ sự tín nhiệm của các cấp Đảng ủy, của bà con, với số phiếu gần như tối đa trong đợt bầu cử vào tháng 12-2005, Chiêu được bầu vào làm phó chủ tịch kinh tế - tổng hợp của xã.

Hưng Phước có hơn 5.100 nhân khẩu, 85% làm nông, lâm nghiệp nhưng thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/năm. Khoảng 130 hộ vẫn nằm trong diện đói dù đất ở đây bạt ngàn. “Làm sao để bà con bớt nghèo”, Chiêu suy tư mãi. Trọng trách của một phó chủ tịch xã nặng trên vai Chiêu. Dự án mở rộng lộ giới mặt đường từ 4m lên 6m ở Hưng Phước vẫn còn hơn 15km, rồi xây dựng trường tiểu học với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng... Trăn trở thoát nghèo cho bà con vẫn còn đó, anh ước gì có nhiều tiền để đứng ra giúp bà con nuôi bò, nuôi dê. “Nếu có tài trợ, mình sẽ đứng ra làm dù gánh nợ”, Chiêu cho biết. Thêm một ngày ở Hưng Phước, dự định ban đầu của chàng trai trẻ là về đây hai, ba năm để đỡ đần bà con đã ngày càng xa, khi càng sống lâu với người dân địa phương càng “mến tay, mến chân”, đi không đành. “Bà con nghèo cần nhiều giúp đỡ, thật buồn khi một số bạn trẻ coi công việc tình nguyện là phong trào, đi tình nguyện “để chữa cháy” trong thời gian chờ việc, đến khi có việc làm ổn định thì bỏ đi. Phải tâm huyết, phải hết lòng với bà con”, Chiêu tâm sự.

Mỗi tháng, anh lại chạy xe về TP.HCM tìm tài liệu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Với Chiêu, “mình làm ăn giỏi bà con mới tin, mới đủ sức để hướng dẫn bà con nữa”.

Chiêu tìm đến với bà con như một người em, người con chứ không phải một anh cán bộ xã. Có đất thì hiến đất, lắm lúc chịu thiệt vài ba nọc tiêu để dự án mở rộng lộ giới đường của Hưng Phước được hoàn thành. Bà con thật lòng: “Đường nhỏ tao vẫn đi được, đường lớn cũng vậy mà tao phải thiệt” nhưng: “Chiêu nói thì tin. Có Chiêu thì yên tâm cho đất”. Nhiều lúc đội thi công lấn đất bà con mà không nói, múc đất đổ đầy vườn tiêu, bà con phàn nàn, Chiêu lại xuống gặp nhà thầu để giải quyết... Ngoài công việc, chiều chiều Chiêu vẫn đến nhà dân vận động tiêm phòng cho gia súc, gia cầm dù cán bộ chuyên môn đã đến vận động. Với bà con ít chữ, Chiêu vẫn là chỗ dựa, “có Chiêu thì an tâm hơn”.

Gần hai năm ở cương vị mới, Chiêu vẫn trăn trở: mình chưa làm được gì nhiều cho bà con và với anh phó chủ tịch xã 29 tuổi này, mọi thứ vẫn còn đang bắt đầu. Ở xã biên giới cách TP.HCM hơn 180km, cách thị xã Đồng Xoài chưa đến 100km này, sách báo là thứ xa xỉ phẩm... Mấy năm qua anh đi vận động bạn bè, người quen nhưng mong ước một thư viện nhỏ vẫn xa, xa như chuyện thông tin vượt 180km đường về với Hưng Phước mỗi ngày...

Theo TTO

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế lần thứ 9 năm 2025 (ISSF 2025) vừa khai mạc sáng 26/6 tại Hội trường Trần Chí Đáo, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, mở đầu chuỗi hoạt động học thuật quốc tế kéo dài đến ngày 28/6. Với chủ đề “Thanh niên hành động vì tương lai bền vững: Thích ứng biến đổi khí hậu và nh…

Agile Việt Nam
;