CÔNG DÂN TRẺ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Phạm Kim Ngọc - Một nghị lực phi thường
Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Đồng Tháp Mười, nơi có loài hoa "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", Phạm Kim Ngọc, sinh viên năm IV ngành Khoa học Vật liệu đã bước lên giảng đường với một ý chí, nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Tuy ba mẹ Ngọc chỉ là những người nông dân bình thường nhưng ba mẹ luôn là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên mỗi khi Ngọc gặp khó khăn. Ba mẹ đã dạy Ngọc phải biết cần cù lao động, sống có ích cho đời và đặc biệt là phải có lòng nhân ái. Những giọt mồ hôi của ba, những nếp nhăn trên vầng trán của mẹ luôn là sức mạnh, niềm tin giúp Ngọc bước vào cuộc sống bằng những bước chân vững vàng. Ngọc thương anh hai có nhiều mơ ước nhưng rồi vì điều kiện gia đình cũng như chăm lo cho em gái mà không thể thực hiện được ước mơ của mình. Như bù đắp lại cho những khuyết tật mà Ngọc đã gánh chịu từ lúc mới sinh ra, ba, mẹ, anh hai đã dành hết cho Ngọc tình thương yêu và sự chăm sóc.
Có thể do dị tật bẩm sinh nên Ngọc dễ dàng hòa nhập với cuộc sống bằng những khiếm khuyết của mình. Nhưng làm sao đếm được những gian khổ, mồ hôi và nước mắt mà Ngọc phải trải qua suốt mười hai năm học PTTH. Bây giờ nghĩ lại, có đôi lúc Ngọc tự hỏi chính mình: "Làm sao mình có thể vượt qua được nhỉ? Vượt qua cả những sự áp đặt khó khăn... Nhiều lúc tưởng chừng mình đã bỏ cuộc không thể đi tiếp con đường mình đã lựa chọn". Có thể những sinh viên ở thành phố chưa từng nếm trải cũng như không thể tưởng tượng được điều kiện sinh hoạt và học tập ở quê khắc khổ như thế nào. Đến lúc gần thi Đại học mà Ngọc vẫn học bài với ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét. Rồi những lần trời mưa đường lầy lội, cầu khỉ trơn trợt, rồi mùa nước lũ... Có lẽ vì tình thương yêu của ba mẹ, sự chăm sóc tận tình của người anh hai mà Ngọc mới có một động lực là làm được một điều đó để báo hiếu cho ba mẹ...
Thật ra, Ngọc thích Sư phạm. Ngọc muốn làm một người giáo viên sớm chiều lên lớp, nuôi dưỡng từng ước mơ bé bỏng. Nhưng rồi người ta bảo rằng người giáo viên đứng lớp phải đẹp cả về tâm hồn lẫn hình thức. Vậy là Ngọc phải làm lại từ đầu. Có thể đây cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Ngọc: thi vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đầu tiên bước lên thành phố với bao bỡ ngỡ, sau lưng là những giọt nước mắt của mẹ: "Không biết con sẽ sống ra sao với khuyết tật của mình". Ngọc đã tự hứa với lòng mình rằng: "Mình sẽ cố gắng sống tốt như đã từng sống, rằng mình sẽ không phụ công lòng mong đợi của bao người". Giữa muôn ngàn xa lạ chốn phố thị phồn hoa, Ngọc bắt gặp những chiếc áo xanh tình nguyện trong ngày đón tân sinh viên ở trường, Ngọc đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi mình phải làm gì?
Những ngày tháng hoạt động trong đội Công tác xã
hội, các phong trào Đoàn - Hội và học tập dưới mái trường Đại học Khoa học tự
nhiên và đặc biệt là trong
ba mùa chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Ngọc đã trưởng thành lên rất nhiều.
Mặc dù sống giữa cuộc sống phồn hoa nơi phố thị nhưng nó không làm thay đổi con
người Ngọc: Ngọc vẫn luôn thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh, vẫn có thể
lắng nghe chia sẻ những tâm sự cùng bạn bè, vẫn có thể dốc hết số tiền còn lại
trong túi của mình để giúp một ai đó trong lúc khó khăn...
Có lẽ Ngọc chưa thực hiện được hết điều mình mong muốn nhưng Ngọc luôn tin là mình đã sống tốt, ba mẹ có thể tự hào, vững tin vào Ngọc. Ngọc thương yêu tất cả những gì mà mọi người cho là bình thường nhất, trân trọng từng phút giây được sống và làm việc. "Mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa muôn vàn hạt kim cương lấp lánh", Ngọc tâm sự, nhưng hạt cát nhỏ bé ấy đã sống tốt cho đời, biết vượt qua mọi khó khăn thử thách cùng hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Con đường phía trước có thể rất dài và không ít chông gai nhưng Ngọc luôn vững tin ở chính bản thân mình: "Mình sẽ vượt qua tất cả với ý chí quyết tâm, niềm tin yêu mong đợi của mọi người".
PHAN LÊ DUY (ĐH KHTN)