Mối tình quê với www.
![]() |
Cuộc hội ngộ của hiệp sĩ CNTT Nguyễn Minh Tạo (trái, Quảng Nam) và hiệp sĩ CNTT khiếm thị Khúc Hải Vân (Hà Nội) tại TP.HCM |
21 tuổi, ăn mặc lè phè và nụ cười rất Quảng, đó là Nguyễn Minh Tạo - một trong tám hiệp sĩ công nghệ thông tin (CNTT) 2006.
Nhà có bốn sào ruộng và rất rành làm ruộng, nhưng Tạo thú thật mình đã “trao duyên” cho thế giới web.
Tạo là con út trong gia đình có bốn con; ba vốn là bộ đội, mẹ chân lấm tay bùn với đồng ruộng, cả nhà sống nhờ vào những sào ruộng miền Trung. Trước khi lên lớp 12, Internet, máy vi tính đối với vùng quê lắm nghèo khó của Tạo còn rất xa xôi chứ đừng nói gì đến xa lộ thông tin. Tò mò, vậy là bắt đầu “vọc”. Trang đầu tiên xe duyên Tạo với web là home.vnn.vn: “Ngạc nhiên lắm! Thông tin ở đâu ra mà nhiều rứa! Làm sao đưa được thông tin đó lên mạng nữa chớ?”.
Không có máy vi tính ở nhà, Tạo bám chặt các căn cứ là các điểm truy cập Internet. Cuối năm lớp 12, Tạo hùng hồn tuyên bố với bí thư chi đoàn lớp: “Sẽ tặng lớp 12/9 của tụi mình một website!”. Quân tử nhất ngôn! Thế là cậu út thiết kế ngay www.129ndh.net.tf với nội dung, hình thức giản dị mà bay bổng như tuổi học trò.
Dù Quảng Nam đã có website quangnam.gov.vn của UBND tỉnh Quảng Nam nhưng Tạo vẫn muốn mọi người khắp nơi biết đến xứ Quảng của mình nhiều hơn. Lại lao vào làm web, tháng 4-2005, Tạo cho ra mắt website www.nguoiquangnam.de.
Sơ yếu lý lịch của www. nguoiquangnam.de khá thú vị: host là quà tặng của một người bạn, tên miền được xài miễn phí. Host sắp hết hạn cũng là lúc Tạo kịp thời được hỗ trợ về host lẫn tên miền bởi chị Hồ Thanh Trang (công tác tại Sở Ngoại vụ TP.HCM). Trang tin được đặt tên mới nghe mùi báo chí hơn: tintucquangnam.org. Bên cạnh các chuyên mục: chính trị xã hội, văn hóa..., website này còn có những mục “rất Quảng”: tuổi trẻ đất Quảng, nhạc Quảng, văn hóa lịch sử xứ Quảng... Hiện nay, lượng truy cập tintucquangnam.org dao động từ 1.000 - 1.200 lượt/ngày, cao điểm lên đến 3.000 lượt/ngày.
Định hướng học ngành khoa học xã hội nhưng “mối duyên” giữa Minh Tạo với www. cứ bám chặt. Vừa đi vừa dò đường, sinh web đã mệt, nuôi web còn mệt hơn. Khi còn học ngành điện tử ở Trường Kỹ thuật và nghiệp vụ công nghiệp tàu thủy 3 (Đà Nẵng), từ sáng sớm Tạo đi xe máy ra Đà Nẵng, tranh thủ từng phút trước giờ học để cập nhật thông tin lên tintucquangnam.org và điều hành diễn đàn tuoitredatquang.com.
Đang công tác tại ban điều hành báo điện tử Quảng Nam (baoquangnam.com.vn), một ngày của Tạo được chia ba xẻ bảy cho các trang web, diễn đàn. Cuối tuần, chàng hiệp sĩ lại “xuống mạng”, lái xe vượt 50km từ thị xã Tam Kỳ về thôn Phong Nhị (huyện Điện Bàn) thăm ba má, thăm bốn sào ruộng.
Hiệp sĩ khua gậy lướt web Một hiệp sĩ khác là Khúc Hải Vân. Hai năm khua gậy đi học tin học, giờ thì học trò của Vân là 50 người khiếm thị cùng niềm tin “người khuyết tật sẽ dùng máy vi tính làm phương tiện phục vụ cuộc sống”! Sinh năm Nhâm Tuất 1982, Hải Vân vốn khiếm thị bẩm sinh, từng có lần suýt phải thôi học vì “thành tích” học lại tới ba năm lớp dự bị chữ nổi Braille của Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. May mà có cô Khanh - cô giáo dạy cấp I của trường - đã cảm thông và nhận kèm thêm cho Vân: “Ngày bé, Vân hiếu động lắm, cái gì cũng hỏi cũng sờ”. Với niềm vui được đi học trở lại, Hải Vân đã nỗ lực phấn đấu và đạt học sinh khá từ cấp I tới cấp III. Rồi cặm cụi đi học tiếng Anh, Hải Vân thường tự mình đi xe buýt lên hồ Hoàn Kiếm để có nhiều cơ hội nói tiếng Anh với du khách nước ngoài. “Trong một lần trò chuyện, một người Mỹ đã nói ở nước ông những người khiếm thị đều dùng máy vi tính để học và tìm kiếm thông tin thông qua một phần mềm đọc chữ trên màn hình” - Vân tâm sự. Từ phút ấy, Vân khát khao được học và hướng dẫn lại cho nhiều người khiếm thị sử dụng những tiện ích trên máy vi tính. Giám đốc Trung tâm tin học Tia Sáng Phạm Sơn Hà (hiệp sĩ CNTT năm 2005) nhớ lại: “Ngày nào cũng vậy, cứ nghe thấy tiếng “lộc cộc” là biết Vân tới. Với vốn ngoại ngữ và trí nhớ rất tốt, Vân tiếp thu nhanh lắm! Chỉ sau một mùa đông cậu ấy đã lấy hết cả vốn của mình! Ngay ý tưởng thành lập Trung tâm tin học Tia Sáng cũng là ở nơi Vân đấy”. Đó là một trung tâm tin học dành cho người khiếm thị, địa chỉ 844 Minh Khai, Hà Nội. Hải Vân, phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Ngoài phổ cập tin học cho người khiếm thị, chúng tôi đang nghiên cứu thành lập thư viện điện tử nhằm giúp người khiếm thị tiếp cận với kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại”. |
Theo TTO