Vừa qua, buổi tọa đàm “Tiếp lửa lòng yêu nghề” với chủ đề “Hình mẫu người giáo viên tương lai” đã diễn ra tại Đại học Sư Phạm TP.HCM. Chương trình có sự tham gia của nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, hơn 20 giáo viên tiêu biểu cấp Thành phố và rất đông các bạn sinh viên.
Giáo viên trẻ trao đổi tại tọa đàm.
Tiếp lửa yêu nghề cho sinh viên
Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vậy nên hình ảnh người thầy người cô từ lâu đã là một hình ảnh đẹp trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội. Nhưng với không ít thầy cô để có thể gắn bó với nghề, tiếp tục cống hiến và truyền lửa cho các thế hệ học trò là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đầy bộn bề, lo toan.
Tất cả chúng ta cũng sẽ cảm thấy trân trọng hơn khi biết được rằng vẫn có những người thầy, người cô để đến được với nghề còn phải vượt lên trên số phận. Chia sẻ trong buổi tọa đàm, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký nói lên những điều rất thật về cuộc đời để đến được với nghề giáo của ông. Là một người không may mắn khi số phận đã không cho ông một đôi tay lành lặn, đã có lúc ông cảm thấy bất lực với ý nghĩ không thể thực hiện giấc mơ làm nghề giáo khi tay không thể cầm phấn, không thể viết bảng. Nhưng rồi bằng nghị lực của bản thân, ông được sự động viên của những người thầy, những bài thơ hay, những đứa học trò trẻ thơ đã cho ông niềm hạnh phúc thực sự để ông lấy đó làm động lực phấn đấu, kiên trì cho đến ngày hôm nay.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng của ngành giáo dục.
Nghề giáo là nghề cao quý, mỗi giây phút trên bục giảng là mỗi tâm huyết mà người “kỹ sư tâm hồn” truyền lại cho thế hệ học trò. Biết rằng vẫn còn đó những khó khăn luôn đi song song với nghề giáo, đồng lương ít ỏi, khoảng cách thầy trò trở nên xa hơn và nhiều lắm những rào cản trong xã hội. Những khó khăn đó đã phần nào tác động đến lí tưởng và lòng yêu nghề của nhiều người muốn đi theo sự nghiệp “trồng người”. Thầy Tống Xuân Tám – nhà giáo tiêu biểu cấp Thành phố cho rằng dẫu biết nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng chính vì những ý nghĩa cao đẹp của công việc “trồng người” mà ông cũng như bao người thầy người cô vẫn đến và gắn bó với nghề bằng tấm lòng nhiệt huyết cùng ngọn lửa yêu nghề luôn rực cháy. Thầy Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ, đã đến với nghề giáo thì người giáo viên phải biết chấp nhận hy sinh, luôn có suy nghĩ lạc quan, luôn học hỏi và không thể thiếu là phải thực sự có cái tâm với nghề.
Làm gì để là một nhà giáo chuẩn mực
Là câu hỏi của nhiều bạn sinh viên sư phạm, những người sắp sửa đứng trên bục giảng. Cô Bùi Thị Thúy - nhà giáo tiêu biểu cấp Thành phố chia sẻ, khi mới ra trường, bản thân cô cảm thấy không tự tin trong những tiết dạy, có lúc vẫn còn chưa thoát khỏi tâm hồn của một sinh viên, luôn bị áp lực tâm lí khi đứng trước học sinh. Nhưng sau khi tiếp xúc học hỏi, rút kinh nghiệm trong từng lần đứng bục thì bản thân dần cứng cáp, tự tin hơn để có được những thành tích như ngày hôm nay. Sinh viên mới ra trường thì sự bỡ ngỡ, thiếu tự tin là điều khó tránh khỏi, nhất là nghề giáo, cái nghề mà người thầy, người cô phải thực sự tự tin và có khả năng truyền đạt.
Thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo cho rằng, đã đi theo con đường dạy học thì các bạn sinh viên mới ra trường đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân, hãy mạnh dạn giao tiếp, học hỏi những người đi trước. Biết quý trọng từng phút giây trong tiết giảng, gần gũi hơn với học sinh để hiểu hơn các em và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Bạn Hà Phương (Đại học Sư Phạm TP.HCM) tâm sự: “Khi nghe những tâm sự của thầy cô thì mình cảm thấy tự hào và yêu hơn cái nghề mà mình đã chọn”.
Ngày nhà giáo Việt Nam cũng sắp đến, chúc cho các thầy, các cô những người “kĩ sư tâm hồn” thật nhiều sức khỏe, luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, lòng tận tâm để tiếp tục sự nghiệp “trồng người” cao quý, đưa bao thế hệ học trò cập bến tri thức.
NGUYỄN TÂM