Bác sĩ Vũ Tề Đăng - “Tôi có duyên với trẻ em”

Bác sĩ Vũ Tề Đăng -

Bác sĩ Vũ Tề Đăng - “Tôi có duyên với trẻ em”

Sau 5 năm du học tại Pháp, với học hàm Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Tề Đăng (khoa sơ sinh bệnh viện Từ Dũ, TPHCM) đã từ chối nhiều lời mời ở lại công tác lâu dài và trở về quê hương với mong muốn đem những gì mình học được để cống hiến.

Hết lòng với trẻ

Ngày nào bác sĩ Đăng cũng có mặt rất sớm tại bệnh viện để khám cho các bé sơ sinh. Đó không chỉ là chuyên môn hàng ngày của anh mà còn là tình thương các bé. Về công tác tại bệnh viện Từ Dũ từ năm 2007, thời gian tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để anh trải nghiệm lòng mình với những bệnh nhân “nhí” và anh biết được con đường mình đã chọn là đúng. Anh nhớ lại sau khi tốt nghiệp trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2001, anh tiếp tục sang Pháp du học đến năm 2006. Đề tài “Sự phát triển não của trẻ em thông qua việc đo đạc vận tốc máu để nuôi não” đạt giải Ba tại Hội thảo Siêu âm quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc và anh tốt nghiệp với học vị Tiến sĩ. Từ chối những lời mời cộng tác ở nước ngoài, anh cho biết “Mình sinh ra ở đâu thì cống hiến ở đó”. Hình ảnh những đứa bé đã quyến luyến anh lúc nào không biết và anh đã quyết định về lại đây công tác sau khi ra trường. Hạnh phúc bén duyên với anh từ đó. Anh nói: “Tôi là người rất có duyên với trẻ em vì trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, tác cả các công việc cũng như công trình nghiên cứu đều liên quan đến trẻ em”.

Thương các em, anh còn thao thức cùng những khó khăn của người nhà bệnh nhân “nhí”. Anh kể: “Có những trường hợp các bé bị bỏ rơi, khi đưa vào viện chữa trị thì không còn kịp hoặc người thân không đủ tiền viện phí để chi trả...” nhưng cũng có những lần anh vui sướng khi cứu sống một sinh linh nhỏ bé. Có những khi 2 giờ sáng, vì một trường hợp cần mổ gấp anh vội vã vào viện để phối hợp với các đồng nghiệp của mình hội chẩn cứu lấy bệnh nhân.

Tấm lòng của anh được gửi gắm trong những đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài “Nghiên cứu xuất huyết não ở trẻ sơ sinh rất nhẹ cân và một số yếu tố có liên quan” nhằm tìm ra tần suất xuất huyết não hiện tại ở trẻ rất nhẹ cân (dưới 1500g) tại khoa sơ sinh bệnh viện Từ Dũ. Và quan trọng hơn là nhắm tới một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra xuất huyết não ở trẻ sơ sinh. Qua nghiên cứu, anh nhận thấy có một số yếu tố có mối liên quan đến xuất huyết não ở trẻ rất nhẹ cân như thân nhiệt khi nhập vào khoa sơ sinh thấp, chỉ số APGAR thấp, sanh thường hoặc sanh can thiệp có tỉ lệ xuất huyết não cao hơn trẻ sanh mổ, trên thân thể bé có nhiều vết bầm tím từ khi nhập khoa, bé bị suy hô hấp nặng cần phải thở máy, nhiễm trùng sơ sinh, có rối loạn đông máu, có rối loạn đường huyết, bé bị tím tái nhiều lần trong quá trình điều trị... cũng gây tăng nguy cơ xuất huyết não. Hiện tại, khoa sơ sinh bệnh viện Từ Dũ, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ngày càng giảm dần, đây cũng là tín hiệu tốt nhằm tránh các rủi ro như xuất huyết não có thể xảy ra trong quá trình điều trị.

Những công trình đề tài nghiên cứu sinh của anh đã mang lại nhiều hi vọng mới cho trẻ sơ sinh như Nghiên cứu sự trưởng thành não ở trẻ dưới 1 tuổi thông qua phản ứng của mạch máu não đối với kích thích bằng ánh sáng, nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp Kangaroo lên sự tưới máu não của trẻ,.. được anh thực hiện vào năm 2006 . Nghiên cứu là một chứng minh thực tiễn cho hiệu quả có thực của phương pháp Kangaroo, nhờ đó bệnh nhân tin tưởng hơn vào phương pháp Kangaroo và chú ý thực hiện tốt hơn. Hiện tại số trẻ sơ sinh rất nhẹ cân, đặc biệt là các trẻ sơ sinh dưới 1000g được cứu sống tại bệnh viện Từ Dũ ngày càng nhiều. Phương pháp Kangaroo là cứu cánh nhằm giảm số ngày nằm viện của trẻ, giúp trẻ hòa nhập với mẹ tốt hơn. Số phòng dành cho phương pháp Kangaroo tại khoa sơ sinh do đó ngày một tăng dần.

Còn đó những trăn trở

Không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của mình, bác sĩ Đăng cùng các đồng nghiệp thường xuyên tổ chức các chuyến công tác xã hội khám và phát thuốc, điều trị cho đồng bào nghèo ở nhiều nơi. Thế nhưng, “Những điều chúng tôi làm được còn ít ỏi để giúp đồng bào bởi nhiều nơi người dân còn nghèo quá” – anh tâm sự. Vẫn là những dự định với những chuyến đi như vậy, anh mong ước sẽ làm được thật nhiều điều hơn nữa để giúp đồng bào mình. Không chỉ thế, anh còn vận động quỹ để xây nhà tình thương cho người dân ở các tỉnh miền Tây. Anh tâm sự: “Với mong ước và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi muốn được cống hiến và đem lại thật nhiều niềm vui cho người khác”.

Tại đơn vị đang công tác, người Bí thư chi đoàn này còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động cho đoàn viên trong chi đoàn tham gia. Bởi theo anh, ngoài công tác chuyên môn của mỗi đoàn viên thì các hoạt động tại đơn vị sẽ giúp mọi người có cơ hội được tham gia các phong trào tạo nên sự đoàn kết, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhau. Anh đã cùng các đoàn viên thanh niên trong chi đoàn thực hiện một công trình thanh niên mà những người nhà bệnh nhân rất vui, đó là: cải tiến quy trình thăm bệnh cho bệnh nhân tại khoa Sơ sinh. Nói về công trình này, anh cho biết: “Cứ mỗi lần thấy người thân lên thăm bệnh phải tìm kiếm rất khó khăn nên anh em chúng tôi rất áy náy. Từ đó, anh em trong bệnh viện đã họp lại và hoàn thành công trình này”. Trong bệnh viện, mọi người còn biết đến anh như một “nghệ sỹ” khi anh biết chơi đàn trong các ngày lễ của đơn vị. Tiếng đàn, tiếng hát giúp mọi người sống gần gũi nhau hơn. Điều đó cũng là một hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng hạnh phúc nhất với anh vẫn là mang lại những điều tốt đẹp cho bệnh nhân.

Dự định tiếp theo của anh trong năm 2011 là triển khai nghiên cứu đóng ống động mạch cho trẻ sơ sinh non tháng bằng Ibuprofène uống. Việc triển khai nghiên cứu này sẽ cứu được nhiều hơn nữa các trẻ sơ sinh non tháng, nhất là làm giảm biến chứng nặng nề cho trẻ sơ sinh non tháng, gây suy hô hấp kéo dài, làm tăng thời gian điều trị, tốn kém cho bệnh nhân...

XUÂN PHÚ

(Blouse trắng cho đời thêm xuân)

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sáng ngày 20/4/2025, hơn 5000 bạn sinh viên hào hứng tham gia ngày hội văn hoá 2025 được diễn ra tại Nhà Văn hoá Sinh viên TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động đã mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ và khơi dậy tinh thần gìn giữ bản sắc văn hoá của thế hệ trẻ Việt Nam. …

Agile Việt Nam
;