<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;">
<title></title>
<style type="text/css"></style></div>
<p class="style1"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">Phòng chống Bạo lực học đường:</span></strong></span></p>
<p style="text-align: center;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;">Đừng thờ ơ khi trẻ có tâm tư</span></strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Gần 500 đại biểu (là hiệu trưởng, trợ lý thanh niên các trường phổ thông, các nhà nghiên cứu tâm lý, nhà giáo dục, đại diện các cơ quan chức năng...) đã tham dự hội thảo “Phòng chống bạo lực trong nhà trường” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 9-4.</span></span></p>
<table width="40" cellspacing="2" cellpadding="0" border="0" align="center" style="border-collapse: separate;" class="tLegend">
<tbody>
<tr>
<td style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <img hspace="0" border="1" alt="" class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" src="http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=410431" hyperlink="" /></span></span></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><em><span style="font-family: Arial;">Một hoạt cảnh về bạo lực học đường do học sinh TP.HCM thực hiện tại Ngày hội học sinh THPT tổ chức ngày 13-12-2009 ở Nhà văn hóa Thanh niên TP</span></em></span></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Hiện tượng học sinh đánh nhau là một thực tế không mới, những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sinh hoạt của lứa tuổi hiếu động vẫn thường xảy ra trong các thế hệ học sinh. Nhưng hiện tượng đánh nhau trong thời gian gần đây đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">Do người lớn?</span></strong></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="pBody"> </p>
<div class="style1">
<table width="200" cellspacing="5" cellpadding="5" bordercolor="#ecf2fe" border="0" align="right" style="border-collapse: separate;" bordercolorlight="#4792d9" bordercolordark="#456ae1">
<tbody>
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p style="text-align: justify;" class="style1"> </p>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p class="style1"> </p>
</span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p class="style1"><font color="#030303"><strong>Q.8 tăng cường hướng dẫn kỹ năng sống</strong></font></p>
</span></span></span>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><font color="#030303">Sau những vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn, Quận ủy Q.8, TP.HCM đã có văn bản gửi các ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy, UBND 16 phường trên địa bàn quận yêu cầu tập trung thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong học đường, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh. Theo đó, Phòng GD-ĐT sẽ phải tăng cường các buổi chuyên đề về giáo dục lối sống, đạo đức, kỹ năng sống trong học sinh; hiệu trưởng các trường chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương để kịp thời xử lý các mâu thuẫn, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh.</font></span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><font color="#030303">H.HG.</font></span></span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> “Trong những năm gần đây, cảnh bạo lực diễn ra trên khắp các lĩnh vực. Bạo lực sân cỏ: cầu thủ đánh nhau, huấn luyện viên bóp cổ trọng tài... Ngoài đường phố thì các băng nhóm thanh toán nhau bằng súng, bằng dao. Trong gia đình thì mẹ đánh đập con đến mức gây thương tích nặng, con hành hạ cha ruột đến ngất xỉu... Môi trường xã hội có tác động nhiều chiều vào nhận thức và tình cảm của các bạn trẻ. Có thể nói tình trạng bạo lực học đường gia tăng một phần là do người lớn” - TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM, phát biểu. </span></span></div>
</div>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tương tự, PGS.TS Trần Tuấn Lộ, trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, khẳng định: “Bạo lực học đường xảy ra chính là vì sự giáo dục chưa đủ, chưa đúng của người lớn. Nếu nhà trường có trách nhiệm giáo dục từng cá thể học sinh thì xã hội có trách nhiệm đại trà. Tôi thấy cảnh bạo lực giữa người với người trong đời thường và trên các phương tiện truyền thông vẫn diễn ra thường xuyên. Như thế làm sao giáo dục học sinh đi đúng đường?”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">TS Đinh Phương Duy còn phân tích: “Những việc trái tai gai mắt không được xử lý nghiêm túc theo pháp luật sẽ khiến một số bạn trẻ mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin về điều thiện và thử đi tìm một cách ứng xử khác thường. Giới trẻ ngày nay được tự do thái quá: tự do tìm kiếm thông tin sex, tự do uống rượu bia... sẽ dẫn đến tâm lý tự do sống “sành điệu” và đánh nhau như một liệu pháp giải tỏa căng thẳng...”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">Cha mẹ đồng hành với con</span></strong></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Là người có nhiều năm trực tiếp làm công tác tư vấn, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM, lý giải: “Bạo lực học đường là hậu quả của sự cô đơn, bế tắc của giới trẻ. Các em lớn lên trong gia đình thiếu ổn định, bất hòa, hoặc cha mẹ quá bận rộn, ly hôn, bầu không khí gia đình tẻ lạnh, mọi người ít quan tâm lẫn nhau, trẻ không có điều kiện gần gũi, chia sẻ với cha mẹ".</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">TS Hồng đặt vấn đề: "Cô đơn ở trường, chương trình giáo dục nặng nề, thầy cô chạy theo hành chính, làm sao có thời giờ tìm hiểu tâm tư của từng em! Và cũng phải thừa nhận hiện vẫn còn không ít giáo viên thờ ơ hoặc năng lực yếu kém, xử lý các tình huống vụng về.” “Tôi đã tiếp nhận tâm sự của một nhóm học sinh, chuyện rất nhỏ, tôi hỏi các em sao không trình bày với cô chủ nhiệm. Các em trả lời: Tụi con mà nói với cô thì con chuột bé xé thành con voi” - TS Hồng kể.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">TS Bích Hồng kết luận: “Cần có những đợt tuyên truyền, cần khẳng định những giá trị sống để các bậc cha mẹ nhận thấy giá trị đích thực của cuộc sống gia đình, để họ gia tăng sự gắn bó mật thiết với con. Phòng chống bạo lực học đường hãy bắt đầu từ chính gia đình. Cha mẹ cần đồng hành với con, thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm với con”.<br />
</span></span></p>
<table width="96%" cellspacing="5" cellpadding="5" bordercolor="#ecf2fe" border="0" align="center" style="border-collapse: separate;" bordercolorlight="#4792d9" bordercolordark="#456ae1">
<tbody>
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#fefeec">
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>* <strong> Ông Nguyễn Văn Đua</strong> (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM):</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">Vẫn còn khoán cho nhà trường</span></strong></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Trong xã hội vẫn còn việc cậy hoàn toàn vào thầy cô, khoán cho nhà trường. Một bộ phận phụ huynh không hiểu được tâm tư, thay đổi của con em mình. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tôi rất quý hiệu trưởng các trường phổ thông trong quan hệ với chính quyền địa phương, chủ động để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trật tự trước cổng trường, phát hiện những vấn đề bạo hành, hành hung, hành vi bạo lực để kịp thời phối hợp quản lý nhịp nhàng đồng bộ với chính quyền địa phương.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>* <strong>Ông Nguyễn Thanh Triều</strong> (phó chủ tịch UBND Q.7, TP.HCM):</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">Phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm</span></strong></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Về phía nhà trường, Q.7 đã chỉ đạo các hiệu trưởng tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Thầy cô, ngoài công tác giảng dạy nay phải chú tâm hơn đến học sinh: giúp đỡ, giáo dục để tránh những việc không hay đối với học sinh. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chúng ta có những tấm gương giáo viên chủ nhiệm rất tốt, quan tâm sâu sát đến tâm trạng từng em học sinh, nhưng trên thực tế, có thể do nhiều chi phối từ cuộc sống, công tác này đôi khi chưa chặt chẽ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>* <strong>Ông Lê Hồng Trung</strong> (trợ lý thanh niên Trường Thiếu sinh quân):</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">Cần điều chỉnh bằng luật</span></strong></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Theo tôi, cần bổ sung vào Luật hôn nhân - gia đình: các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con cái nên người. Nếu con em họ vi phạm quy định của pháp luật, họ phải bị chế tài. Xã hội văn minh phải điều chỉnh bằng luật. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;" class="style1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chẳng lẽ với những phụ huynh sinh nhưng không dưỡng, con cái hư hỏng rồi để xã hội và nhà trường gánh?</span></span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div><span style="font-size: small;"><br />
</span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><strong><em>Theo TTO</em></strong><br />
</span></div> </html>