“Cây kim vàng” & câu chuyện nương ngô
Trương Thanh Giang, lớp KTV27 Trường cao đẳng Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội, vừa giành giải nhất “Hội thi tay nghề quốc gia 2006” ở nội dung thi may trang phục nữ.
|
Giang vẫn miệt mài bên bàn máy may |
Giang đến với nghề may bằng câu chuyện xúc động của người mẹ trên nương ngô miền Tây Bắc...
Giang sinh ra tại huyện đồng bằng Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Thế nhưng, khi bố Giang chuyển công tác lên Hòa Bình thì cả tuổi thơ của Giang là những ngày tháng lững thững theo mẹ trên những đồng lúa, nương ngô miền sơn cước. Trong ký ức của Giang không thể quên kỷ niệm được mặc chiếc áo mẹ cậu đã may cho trong một năm học THCS.
Buổi sáng mùa đông Tây Bắc lạnh thấu xương, nhìn con mình tê tái, co ro trong giá rét vì chiếc áo xẻ vai, mẹ Giang không thể lên nương bẻ những bắp ngô cuối vụ. Bà ở nhà và may bằng xong cho con cái áo mùa đông. “Đêm ấy, lũ quét bất ngờ, cả nương ngô cùng bao nhiêu mồ hôi công sức của mẹ trôi theo cơn lũ. Mẹ tiếc công nhưng nhìn con không còn lạnh cóng khi đến trường thì bà lại tự nhủ phải cố vụ ngô sau” - Giang ngậm ngùi kể lại, đó là động lực đầu tiên để Giang đeo đuổi nghề may.
Thế rồi, vào một trưa hè cách đây hai năm. Mẹ Giang lên nương về thì nhận được hộp quà con trai gửi về cho mẹ. Trong hộp là chiếc áo mùa hè và một bức thư nắn nót: “Mẹ. Đời mẹ không biết bao lần may áo cho con nhưng đây là lần đầu tiên tự tay con may một chiếc áo cho mẹ. Nó không đẹp, không vừa mẹ cũng cố mặc nhé…”. Mẹ Giang òa khóc. Bà xúc động, cả vì chiếc áo, cả vì người con trai đã vượt qua bao nỗi thất vọng trượt ĐH để tìm học một nghề bằng câu chuyện ngày xưa.
Học kỳ I năm nhất, khi các bạn trong lớp đi chơi vì chưa phải thực hành thì Giang lại ngấp nghé xưởng máy nhìn các anh chị khóa trên hì hụi cắt, may, khâu... một cách thèm thuồng. Đến năm hai, được vào xưởng thực hành nhưng nhà trọ xa trường lại không có tiền mua máy may để thực hành ở nhà nên cậu quyết định chuyển nhà đến gần xưởng để tranh thủ thời gian luyện thêm đường kim, mũi chỉ. Từ đấy, thời khóa biểu của Giang cũng đủ làm cho nhóm bạn trong lớp thán phục khi gần như cả ngày, sáng - trưa - chiều - tối Giang ở xưởng và chỉ về nhà trọ lúc 11 giờ đêm.
Giang có đúng một tháng để chuẩn bị cho hội thi tay nghề quốc gia lần này. Giang lao vào may tất cả những gì mình được học bằng sự say mê, kiên trì và nhẫn nại. Ngay người luyện thi cho Giang là thầy giáo Lê Thái Sơn đã từng đoạt giải nhất “Hội thi tay nghề ASEAN lần V” nghề may trang phục nữ cũng có những ngày tháng mệt phờ vì cậu học trò ham học.
Đến hôm thi, đề bài ra “May áo veste nữ”, Giang làm một mạch bảy tiếng đồng hồ và ra khỏi phòng khi trong tai chỉ nghe ù ù tiếng máy mà không kịp nhận ra phòng mình có bao nhiêu người thi. “Về đến nhà mình lăn ra ngủ một mạch gần hai ngày đến khi đi nhận giải” - Giang cười kể lại.
Sản phẩm may trong hội thi của Giang được ban tổ chức đánh giá rất lãng mạn, “có bàn tay khéo léo, có sự tận tâm của người làm nghề và có trái tim muốn làm đẹp cho người khác...”. Giang là một trong số 36 thí sinh được chọn đi thi “Hội thi tay nghề ASEAN lần VI” được tổ chức vào tháng 9-2006 tại Brunei và “Hội thi tay nghề thế giới” tại Nhật Bản tháng 11-2007.
Theo Tuổi Trẻ